Những ngày đầu tháng 7, nước Pháp lại xôn xao trước thông tin cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy chính thức bị khởi tố vì cáo buộc tham nhũng và nghi vấn lạm dụng ảnh hưởng chính trị. Không chỉ ông Sarkozy, người tiền nhiệm của ông cũng đã vướng vòng lao lý và còn nhiều lãnh đạo khác trên thế giới.
Cơn ác mộng khi rời bỏ quyền lực
Tham vọng trở thành ứng cử viên trong cuộc tranh cử Điện Elysée vào năm 2017 của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đứng trước nguy cơ tan thành mây khói. Sau khi bị tạm giữ 15 giờ để thẩm vấn, ông Nicolas Sarkozy đã chỉ trích kịch liệt ngành tư pháp Pháp và khẳng định mình vô tội. Hiện tại, các nhà điều tra đang cố gắng xác định liệu cựu Tổng thống 59 tuổi này có hứa hẹn cho thẩm phán Gilbert Azibert một vị trí quan trọng ở Monaco để đổi lấy thông tin về một cuộc điều tra cáo buộc ông gây quỹ tranh cử bất hợp pháp năm 2007 hay không? Vụ việc xuất phát từ thông tin ông N.Sarkozy bị tình nghi nhận tiền tài trợ bất hợp pháp từ cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi cho chiến dịch tranh cử nói trên.
Nếu như ông Sarkozy cảm thấy bị sốc khi chính thức bị điều tra thì cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã phải gặp “ác mộng” vào những ngày cuối năm 2011 khi bị tòa án Pháp kết án hai năm tù treo vì tội biển thủ công quỹ. Ông Chirac là cựu nguyên thủ Pháp đầu tiên bị truy tố trong vòng hơn 50 năm qua. Tòa tuyên án ông Chirac phạm tội sử dụng sai mục đích tiền công quỹ và lạm dụng quyền lực trong thời gian làm thị trưởng Paris từ năm 1977 tới năm 1995. Ông Chirac bị cáo buộc sử dụng tiền công quỹ của thành phố để trả lương cho các thành viên trong đảng bằng cách “vẽ” ra những công việc không có thật. Cựu Tổng thống Jacques Chirac luôn bác bỏ cáo buộc này.
Ở Philippines, cựu Tổng thống Gloria Arroyo cũng bị cáo buộc lạm quyền trong thời gian đương chức. Hai năm sau khi rời chức vụ đứng đầu đất nước, cuối tháng 10-2012, bà Arroyo xuất hiện trước tòa trên xe lăn với chiếc cổ bị nẹp băng và đối mặt với cáo trạng sử dụng không đúng mục đích số tiền 8,8 triệu USD trong quỹ xổ số. Theo cáo buộc này, số tiền trên được chuyển sang một quỹ tình báo để bà Arroyo sử dụng. Đây là cáo trạng tham nhũng thứ ba nhằm vào bà Arroyo. Bà có thể đối mặt với mức án tối đa tù chung thân nếu bị phán quyết có tội. Bên cạnh cáo buộc tham ô, bà Arroyo còn bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi năm 2007, cũng như tham nhũng trong thương vụ băng thông rộng với một công ty Trung Quốc. Thương vụ này đã bị hủy bỏ cũng trong năm 2007. Tổng thống Benigno Aquino từng tuyên bố việc đưa bà Arroyo ra trước công lý là mục tiêu chủ chốt trong chiến dịch chống tham nhũng của ông. Đáp lại, bà Arroyo cáo buộc ông Aquino tìm cách trả thù bà.
Những cú “ngã ngựa”
Ngày 13-5, cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert bị kết án 6 năm tù vì tội nhận hối lộ. Trong cáo trạng, khi còn làm thị trưởng Jerusalem, ông Olmert đã nhận hối lộ 500.000 USD trong dự án căn hộ cao cấp Holyland ở Jerusalem và một dự án bất động sản khác. Đổi lại, Holyland được giảm thuế, được cấp thêm nhiều giấy phép xây dựng và các khoản lợi ích khác có trị giá lên tới hàng chục triệu USD. Dư luận Israel lên án hành động của ông Olmert giống như một kẻ phản quốc. Theo luật pháp Israel, ông Olmert sẽ không được phép tham gia chính trị trong vòng 7 năm sau khi mãn hạn tù.
Đây không phải lần đầu tiên ông Ehud Olmert dính dáng tới những vụ bê bối tham nhũng kiểu này. Năm 2008, ông này bị nghi ngờ nhận hối lộ từ thương gia người Mỹ Moris Talanski. Theo như giải thích của cựu Thủ tướng, đó hoàn toàn chỉ là những khoản quyên góp hợp pháp cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào chiếc ghế Thị trưởng Jerusalem. Vụ bê bối khiến Olmert buộc phải từ chức vào tháng 9-2008.
“Cú ngã ngựa” đau đớn nhất là nhà tài phiệt kiêm chính trị gia lừng danh Silvio Berlusconi. Ở tuổi 77, ông bị kết án lao động khổ sai. Ngày 9-5, ông Berlusconi bắt đầu thực hiện chức phận tù nhân của mình tại Trại dưỡng lão Cesano Boscone ở ngoại ô Milan. Từ năm 1994 tới nay, ông Berlusconi đã ba lần ngồi ghế Thủ tướng Italia (1994-1995, 2001-2006 và 2008-2011). Vào tháng 2-2011, tòa án ở Milan tiến hành một trong những vụ xử gây nhiều chấn động nhất trong lịch sử, được ghi lại như “vụ tai tiếng Ruby”. Các điều tra cáo buộc cựu Thủ tướng Italia đã dan díu với vũ nữ ở độ tuổi vị thành niên có nghệ danh Ruby. Song song với vụ tai tiếng Ruby này, cơ quan tư pháp Italia còn tiến hành một cuộc điều tra nữa về những gian lận tài chính trong Công ty Mediaset cũng thuộc quyền sở hữu của ông Berlusconi. Kết quả, cựu Thủ tướng Italia đã phải nhận thêm bản án 4 năm tù giam.
Còn tại Ukraine, cuộc khủng hoảng Ukraine vừa rồi đã chứng kiến sự tái xuất của cựu Thủ tướng Tymoshenko trong cuộc bầu cử Tổng thống. Không chỉ có ngoại hình xinh đẹp, hấp dẫn, nữ chính khách này còn nổi tiếng vì từng là một trong những thủ lĩnh hàng đầu của cuộc “cách mạng cam” năm 2004. Bà Tymoshenko có biệt danh “nữ hoàng khí đốt”, từng kề vai sát cánh cùng ông Viktor Yushchenko làm nên cuộc “cách mạng cam” năm 2004, song cũng vì bất đồng với chính ông này sau đó nên bà Tymoshenko bị thất sủng, bị gạt khỏi chiếc ghế Thủ tướng. Vận đen sau đó của bà Tymoshenko diễn ra dưới thời Tổng thống Yanukovych khi bị khởi tố cuối năm 2010 và bị bắt giam với cáo buộc lạm dụng quyền lực trong hợp đồng khí đốt ký với Nga, gây thiệt hại cho Ukraine hơn 1,5 tỷ hryvnia (gần 185 triệu USD). Trong phiên tòa diễn ra tháng 10-2011, bà Tymoshenko đã bị kết án 7 năm tù giam về tội danh này.
THANH HẰNG (tổng hợp)