Khu vực biên giới, biển đảo của Quảng Nam có những nét đặc thù, vừa có biên giới đất liền, vừa có biển và đảo. Tuyến biển có bờ biển dài trên 125 km, qua 4 huyện, 2 thành phố, 15 xã phường, 104 thôn với 29.458 hộ và 125.961 nhân khẩu. Tuyến biên giới Việt - Lào dài 142 km, gồm 60 cột mốc, qua 2 huyện, 14 xã, 79 thôn bản với 3.313 hộ, 19.498 khẩu, chủ yếu là các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng... Nhân dân vùng biên giới có truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, nhưng do điều kiện địa lý tự nhiên, dân cư phân bố thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, năng suất thấp nên thu nhập không ổn định, sống phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên. Hiện nay, 14/14 xã biên giới đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo chiếm trên 50%, trình độ dân trí thấp và không đồng đều.
Đứng chân trên địa bàn nhiều khó khăn như vậy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam xác định nhiệm vụ trọng điểm là tham gia đắc lực với các địa phương để phát triển KT– XH, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Từ năm 2004 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã bố trí cán bộ BĐBP về 12 xã biên giới của hai huyện Nam Giang và Tây Giang giữ các chức danh Phó Bí thư Đảng ủy và Phó Chủ tịch UBND xã, đồng thời phân công cán bộ địa bàn tham gia sinh hoạt với các chi bộ thôn, bản để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương đúng đắn, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển KT – XH trên biên giới.
Thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, biển đảo”, trong 2 năm 2009 - 2010, BĐBP tỉnh phối hợp với UBMT Tổ quốc tỉnh triển khai trên 116 ngôi nhà Đại đoàn kết, 8 công trình dân sinh và 20 nhà tình nghĩa thuộc chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động. Một số dự án đem lại hiệu quả cao, thiết thực như: dự án ngân hàng bò với tổng kinh phí 950 triệu đồng, dự án khai hoang trồng lúa nước (trên 1 tỷ đồng) với tổng diện tích khai hoang được 193ha, năng suất bình quân 3,3 tấn/ha; dự án phủ sóng truyền hình kết hợp với xây dựng nhà văn hóa thôn, bản với vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, lắp đặt được 48 trạm tiếp sóng tại các thôn, bản biên giới, nâng số gia đình có truyền hình lên đến trên 80%; dự án quân dân y kết hợp với mức vốn đầu tư 4 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 2 trạm y tế tại huyện Kà Lừm và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào); dự án tại các xã biên giới với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng, gồm 2 trạm quân dân y kết hợp tại địa bàn xã Axan-huyện Tây Giang và xã La Ê-huyện Nam Giang phục vụ khám chữa bệnh cho cụm các xã biên giới rất hiểu quả; hàng năm khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân với gần 10.000 lượt người, trị giá trên 50 triệu đồng/năm...
Đánh giá về những thành quả đạt được trong thời gian qua, lãnh đạo BĐBP Quảng Nam cho rằng nguyên nhân chính là nhờ nhiệm vụ “Tham gia phát triển KT - XH và xây dựng hệ thống cơ sở chính trị trên địa bàn biên giới” luôn được đặt ở vị trí trung tâm, xuyên suốt. Chủ trương này đã giúp các tổ chức thuộc hệ thống chính trị và nhân dân thay đổi nhận thức, tập tục, phương thức canh tác lạc hậu, ứng dụng thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sinh hoạt để nâng cao năng xuất, ổn định dân sinh, mở mang dân trí. Qua đó, thu hút quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
LƯU XUÂN KHƯƠNG