Cuối tháng 11 vừa qua, một sự kiện đau lòng xảy ra tại thị trấn Tất Tiết, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Một người nhặt rác phát hiện 5 cậu bé, tuổi từ 9 đến 13, chết trong một thùng rác. Đêm hôm trước, để tránh cái lạnh, các em chui vào thùng rác này rồi đốt than để sưởi ấm. Khí CO2 đã giết chết các em. Đó là anh em họ. Bố của các em là những lao động nhập cư ở Thâm Quyến hoặc nông dân nghèo ở Quý Châu, không có thời gian quan tâm, chăm sóc các con của mình. 3 tuần trước khi vụ việc xảy ra, người thân cũng như giáo viên ở trường không thấy các em. Tuy nhiên, không một ai trong số họ quan tâm đến việc biến mất đầy bất thường của các em.
5 em bé ở Quý Châu chỉ là một phần trong số 58 triệu trẻ em ở các vùng nông thôn Trung Quốc đang bị “bỏ quên” khi bố mẹ các em phải bỏ quê ra các thành phố tìm việc làm. Theo thống kê mới nhất, hiện ở Trung Quốc có hơn 230 triệu lao động nhập cư tại các thành phố lớn. Thoát nghèo không biết có thành hiện thực hay không nhưng tình trạng những đứa trẻ không người thân bên cạnh chăm sóc, đối mặt với biết bao rủi ro, cạm bẫy là có thật. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện có khoảng 1,5 triệu trẻ em đường phố tại Trung Quốc. Các em trở thành mục tiêu của các băng nhóm tội phạm, lạm dụng và ngược đãi.
Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội Sina Weibo, câu chuyện đau lòng của 5 em nhỏ Quý Châu đã trở thành đề tài nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa phần các ý kiến đều bức xúc trước sự vô tâm của những người thân và nhà trường nơi 5 em theo học. Trước áp lực của dư luận, 6 quan chức chịu trách nhiệm về giáo dục và các vấn đề về dân sự ở Tất Tiết, trong đó có 2 vị hiệu trưởng của trường các em theo học, đã bị cách chức. Tuy nhiên, việc xử phạt của chính quyền địa phương không làm thỏa mãn dư luận khi nhiều ý kiến cho rằng cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Các chuyên gia về xã hội học cho rằng cái gốc nằm ở chỗ cha mẹ các em không sống được ở quê nhà. Vì vậy, muốn không có “những đứa trẻ bị bỏ quên”, Chính phủ Trung Quốc phải thực hiện các chính sách phát triển kinh tế hợp lý để người dân có cuộc sống đảm bảo ngay tại quê nhà. Đây cũng là vấn đề nhức nhối mà một Trung Quốc phát triển đang phải đối mặt trong rất nhiều năm qua. Việc lao động ở các vùng quê đổ ra các thành phố lớn kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội nảy sinh như: cơ sở hạ tầng ở các thành phố bị quá tải, mất an ninh, phân bố lực lượng lao động không đồng đều dẫn đến khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày một gia tăng...
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập còn tồn tại, trong đó có vấn đề về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội nước này. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng quan trọng là việc giải quyết các bất cập đó ra sao và người dân Trung Quốc hơn lúc nào hết đang nóng lòng chờ những hành động cụ thể từ các nhà lãnh đạo của đất nước có hơn 1,3 tỷ dân này.
Đỗ Cao