Những năm gần đây, mô hình hợp tác xã kiểu mới do thanh niên làm chủ sở hữu đã giúp liên kết nhà nông, doanh nghiệp, nghiên cứu chuyển giao công nghệ vào sản xuất, tăng lợi ích kinh tế, ổn định đầu ra sản phẩm. Tại Quảng Nam, mô hình này đang được nhân rộng và trở thành hướng đi chính trong quá trình đưa thanh niên nông thôn làm giàu trên quê hương.
Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có 3 hợp tác xã do thanh niên làm “chủ sở hữu”. Chị Phan Thị Nhi, Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình, cho biết: “Từ năm 2014, trên địa bàn huyện xuất hiện những thanh niên tăng gia sản xuất. Họ có trình độ đại học, cao đẳng với ước mơ làm giàu trên đất mẹ. Huyện đoàn đã hỗ trợ để họ phát triển mô hình làm hợp tác xã theo cách mới, vừa tạo điều kiện việc làm cho người lao động vừa tiêu thụ sản phẩm, gắn kết nhà nông với doanh nghiệp”.
Anh Ngô Thanh Phong với mô hình nuôi heo chuồng lồng
Chúng tôi đến thăm mô hình hợp tác xã của anh Ngô Thanh Phong, 34 tuổi, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, được thành lập tháng 8-2015. Anh Phong tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, sau một thời gian làm kỹ sư xây dựng tại TPHCM, năm 2012, anh trở về quê tìm cơ hội mới. Khởi nghiệp bằng mô hình nuôi chim yến, anh đầu tư 50m2 xây nhà tầng để “đón” yến về tổ. Anh Phong nhớ lại, sau khi hoàn thành nhà yến vào cuối năm nhưng chờ mãi chẳng thấy yến bay về làm tổ, anh hỏi nhiều người nuôi yến mới hay phải đến tháng 3 chim yến mới đậu tổ. Tuy vấp nhiều khó khăn ban đầu, như tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nhưng vài năm gần đây, anh thu về 200 triệu đồng mỗi năm.
Sau đó, anh Phong thêm mô hình làm mây tre đan, trang trại nuôi heo, tạo điều kiện cho 30 lao động trong làng có thu nhập những lúc nông nhàn cũng được trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến tháng 8-2015, anh thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nông dân nhiều hơn và kéo nhiều người cùng tham gia.
Mô hình hợp tác xã “kiểu mới” của anh Trần Văn Nhẫn, 31 tuổi, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, có 15 thanh niên góp “cổ phần” xây dựng hợp tác xã từ những cách làm nhỏ như thu gom rác thải, xây dựng các công trình thủy lợi kênh mương. Anh Nhẫn từng học kế toán, sau một thời gian làm việc tại Tam Kỳ, Quế Sơn… anh về lại quê cùng anh em trong làng thành lập hợp tác xã. Hiện anh đang cung ứng giống vật tư nông nghiệp cho người dân, thu gom rác, đầu tư xây dựng lò mổ tập trung với diện tích 500m2 cho các xã lân cận như Bình Sa, Bình Đào. Theo anh Nhẫn, thu nhập của hợp tác xã được chia đều cho các thành viên tham gia trực tiếp, lãi ròng khoảng 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn mô hình của Hợp tác xã thanh niên Thăng Bình tại thị trấn Hà Lam thu hút gần 40 thành viên tham gia với hoạt động sản xuất nước đóng chai, điều phối sản phẩm sữa, khu liên hợp thể thao…
Trao đổi với anh Phan Văn Bình, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam, chúng tôi được biết hiện nay toàn tỉnh có 11 hợp tác xã do thanh niên làm chủ, 52 tổ hợp tác. Anh Bình nhận định: “Trong tình hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bộ phận thanh niên nông thôn đóng vai trò rất quan trọng. Việc lập hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ giúp thanh niên không còn tự bơi và Tỉnh đoàn sẽ hướng dẫn tập huấn, hỗ trợ điều kiện pháp lý; đồng thời giao cho các đoàn xã hàng năm tập huấn nâng cao kỹ năng cho thanh niên. Trong năm 2016, anh Bình nhận định, mục tiêu đặt ra là tại mỗi huyện đều có thành lập hợp tác xã do thanh niên làm chủ, tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên, bất kỳ xã nào có điều kiện đều có thể hỗ trợ thanh niên lập hợp tác xã”
PHÚ NHIÊU