Cuộc thi “Tủ sách gia đình” lần thứ 2

Những khám phá thú vị

Khám phá tủ sách các nhà văn
Những khám phá thú vị

Khuyến khích xây dựng văn hóa đọc trong từng gia đình, trân trọng những trang sách đã trải qua nhiều thế hệ, cuộc thi “Tủ sách gia đình” lần thứ nhất (2006) đã mở ra nhiều câu chuyện cảm động về tình người và sách. Năm nay, cuộc thi không chỉ giới hạn trong phạm vi TPHCM, mà mở rộng đến các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long với nhiều ý tưởng mới và thú vị.

Khám phá tủ sách các nhà văn

Những khám phá thú vị ảnh 1

Tủ sách gia đình anh Huỳnh Tấn Hưng ở tỉnh Vĩnh Long.

Nếu như ở lần thứ nhất, cuộc thi “Tủ sách gia đình” mới thu hút được sự quan tâm của những người yêu sách từ các gia đình, thì trong cuộc thi lần này, ý tưởng khám phá tủ sách của các nhà văn đã đem đến nhiều nét mới và rất thú vị với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ như: Lê Minh Quốc, Nguyễn Danh Lam, Trầm Hương, Lê Thành Chơn, Nguyễn Ngọc Tư…

Việc tham gia “Tủ sách gia đình” của các nhà văn, nhà thơ là cơ hội để bạn đọc khám phá những nét độc đáo về tình yêu với sách theo cách rất riêng, rất độc đáo của các nhà văn. Nhà thơ Lê Minh Quốc với tủ sách… không đếm được cho biết: “Với tôi, sách là vốn quý, là công cụ để tôi tra cứu mỗi khi viết.

Tủ sách gia đình giống như một cuốn “bách khoa thư” vậy. Tôi sưu tầm sách về mọi thể loại từ văn học đến y học, từ điển, khoa học - kỹ thuật… đến một lúc nào đó mình sẽ cần đến chúng”. Trong căn nhà của mình, anh dành riêng một căn gác để cất giữ sách, thế nhưng chuẩn bị tham gia cuộc thi lần này nhà thơ thừa nhận rằng, một tủ sách cần phải được sắp xếp một cách khoa học mới phát huy hiệu quả tối đa.

Để có được tủ sách như hiện nay, nhà thơ phải trải qua một thời gian dài đam mê, tìm kiếm và nhiều khi phải “chắt bóp” lắm mới có thể sở hữu được bộ sách yêu thích… Anh kể rằng, thời sinh viên muốn mua được sách, anh phải đạp xe từ Thủ Đức về Sài Gòn xếp hàng dài tít tắp chờ sách. Riêng bộ Từ điển văn học anh phải đi về cả tuần lễ mới mua được và vẫn còn giữ cho đến tận bây giờ.

Đến với cuộc thi lần này, nhà văn - nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân mang đến cho bạn đọc một tủ sách khá hấp dẫn. Đó là 12 tủ sách trên 6.000 cuốn sách các loại, trong đó 90% là các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, là các tủ sách chuyên đề như: Triều Nguyễn và Huế xưa, Chiến tranh Việt Nam tại Huế, Thời niên thiếu của Bác Hồ tại Huế, Quang Trung ở Huế… Có thể nói việc phân chia tủ sách theo chuyên đề của ông đã tạo nên nét độc đáo và khoa học trong công tác tư liệu. Đó là công trình nghiên cứu, sưu tầm của ông trong hàng chục năm.

Đưa sách đến với cộng đồng

“Tủ sách gia đình không chỉ để trưng bày mà làm thế nào để sách đến được với đời sống của cộng đồng mới là điều quan trọng” - đó là trăn trở của nhà thơ Lê Minh Quốc. Làm sao để đời sống của cuốn sách có ý nghĩa nhất.

Gây ấn tượng đặc biệt đối với các thành viên của đoàn khảo sát cuộc thi là tủ sách của hai vợ chồng anh Huỳnh Tấn Hưng và chị Nguyễn Thị Lời ở ấp 8 xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tuy số lượng của tủ sách còn khá khiêm tốn: gần 1.000 đầu sách, nhưng đây là một tủ sách hiếm hoi ở một nơi thuộc vùng sâu vùng xa. Đây là tủ sách của gia đình tự gây dựng nên nhưng lại phục vụ cho cộng đồng.

Thấy bà con có nhu cầu đọc sách, ngoài việc xây dựng tủ sách, vợ chồng anh Hưng còn hiến đất để địa phương xây phòng đọc, mở cửa đón người đọc hàng ngày (bình quân mỗi ngày có khoảng 10 người đọc), ai có nhu cầu đọc ở nhà thì anh chị cho mượn, chủ yếu là sách, tạp chí phục vụ thiết thực đời sống như sách về kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, pháp luật, truyện thiếu nhi … Từ hoạt động tự phát ban đầu, đến nay, tủ sách này còn được “Quỹ bình đẳng giới” (Đan Mạch - Thụy Điển) tài trợ tiền mua sách.

Mỗi khi cần tìm tư liệu về Huế, người yêu sách, những nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên, những người đam mê về Huế thường rỉ tai nhau về “thư viện mở” của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, bởi ông là chủ nhân của kho tư liệu về cố đô. Ông kể: “Ai cần tư liệu, tôi sẵn sàng cung cấp miễn phí hay cho photocopy những cuốn sách quý. Chỉ mong người sử dụng tài liệu trích dẫn rõ nguồn gốc của tài liệu đó mà thôi…”.

Có thể thấy, cuộc thi “Tủ sách gia đình” đã mở ra cánh cửa mới, góp phần đưa sách đến với mọi người đồng thời lưu giữ một nét đẹp của văn hóa đọc.

Thùy Dung

Tin cùng chuyên mục