
Theo báo China Daily, 3 năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế đất nước đã có những bước chuyển biến rất lớn.
Đáng chú ý nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu tăng vọt đãø tạo ra nguồn lợi lớn nhất cho Trung Quốc kể từ khi vào WTO. Nguồn vốn FDI tăng nhanh mang lại nhiều việc làm cho người dân. Theo thống kê của Bộ Thương mại, có đến 25 triệu người trong số 250 triệu người lao động ở thành thị của nước này hiện đang làm việc cho các công ty nước ngoài. Khoảng 80 triệu việc làm có liên quan đến ngoại thương. Nhờ số lượng các nhà máy vốn nước ngoài tăng nhanh thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các xí nghiệp Trung Quốc.

Về mức sống, Trung Quốc hiện nhập khẩu các loại máy móc kỹ thuật cao và sản phẩm điện tử từ nước ngoài, đa số là công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực tự động hóa, điện gia dụng. Nhu cầu sở hữu một máy thu hình màu, máy giặt… không tăng mà có chiều hướng giảm vì nhà nhà đã có. Bây giờ người dân Trung Quốc quan tâm đến những sản phẩm công nghệ cao như máy quay, máy chụp hình kỹ thuật số, đầu đĩa DVD... Trong vòng 10 tháng đầu năm 2004, số lượng máy quay, chụp hình kỹ thuật số, đầu đĩa DVD tăng 450%, 50% và 113%. Các chuyên gia khẳng định thị trường Trung Quốc càng mở cửa thì đời sống người dân càng được nâng cao.
Kể từ ngày 11-12-2001, khi Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của WTO, ngoại thương của nước này đã duy trì mức tăng trưởng mạnh. Vào năm 2002, kim ngạch ngoại thương Trung Quốc đã đạt 620,77 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2001. Cho đến năm 2004 thì kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc đã lên đến 1,1 ngàn tỷ USD.
Về mặt quản lý nhà nước, những thay đổi lớn nhất sau khi Trung Quốc vào WTO đó là: sự minh bạch trong quản lý được áp dụng trong một loạt các nguyên tắc hoạt động thị trường và việc hình thành cơ chế thích ứng với thị trường hơn là trật tự quản lý nhà nước. Kể từ khi vào WTO, Trung Quốc đã đưa ra hơn 2.000 luật và các văn bản dưới luật để đáp ứng đòi hỏi của WTO. Ngược lại, chính những luật đó lại giúp Trung Quốc tiến đến nền kinh tế định hướng thị trường một cách vững chắc.
Vì sao Trung Quốc vào WTO mà vẫn vượt qua được những thách thức từ quá trình hội nhập. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc thì nước này đã chuẩn bị từ 5 năm trước khi gia nhập WTO.
Trong suốt thập niên 1990, mức tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc có những lúc đã tăng 20%. Trước khi Trung Quốc vào WTO, cả anh lái xe tắc xi cũng biết thế nào là WTO, họ sẽ hưởng lợi gì và gặp những thách thức gì. Lúc đó ở Trung Quốc dấy lên không khí “nhà nhà bàn WTO, người người bàn WTO”.
Nhưng cái mà Chính phủ Trung Quốc tuyên truyền chủ yếu là những thách thức đối với doanh nghiệp và người dân như tính cạnh tranh gay gắt hơn, có thể cải cách lớn trước mắt làm tăng số người thất nghiệp… Các doanh nghiệp Trung Quốc đã được chuẩn bị tinh thần như thế nên đã nhanh chóng hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất và mục tiêu đề ra là cạnh tranh với đối thủ… Mỹ. Khi các công ty nước ngoài tràn vào ồ ạt đã không đè bẹp được doanh nghiệp Trung Quốc mà còn thúc đẩy họ tăng sức cạnh tranh.
QUỲNH NHƯ (Theo China Daily)