“Bộ truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam”

Những lời tri ân

1.
Những lời tri ân

Có thể nói, chưa bao giờ các sáng tác về những người thầy lại đầy đặn và xúc động như trong “Bộ truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam” (NXB Giáo dục). Đây chính là những lời tri ân đối với những người đã dành trọn đời cho sự nghiệp trồng người.

Những ấn phẩm ra mắt bạn đọc từ cuộc vận động viết về nhà giáo Việt Nam. Ảnh: K.T.
Những ấn phẩm ra mắt bạn đọc từ cuộc vận động viết về nhà giáo Việt Nam. Ảnh: K.T.

1. Cuộc thi viết truyện ngắn về nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Bộ Giáo dục-Đào tạo, Hội Nhà văn Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và NXB Giáo dục phát động đã đạt được kết quả tốt đẹp. Cuộc thi đã khơi gợi những tâm tư, tình cảm của chính những người trong cuộc là thầy cô giáo cũng như những ai từng cắp sách đến trường.

Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 3.500 tác phẩm của gần 3.000 tác giả ở 64 tỉnh, thành và cả kiều bào ở nước ngoài. Con số ấy đã làm ấm lòng những ai quan tâm đến cuộc thi. Và sâu sắc hơn, đằng sau đó là tấm lòng “tôn sư trọng đạo” luôn tồn tại với bao thế hệ học trò. Chị Hoàng Thị Mai (Đô Lương- Nghệ An) trong thư gửi Ban tổ chức đã tâm sự: “Viết văn quả là rất khó đối với những cây bút không chuyên như tôi, song tôi vẫn mạnh dạn sáng tác hai truyện ngắn tham gia cuộc thi, trước là để thử sức mình, nhưng quan trọng hơn là gửi gắm những tình cảm kính trọng, lòng biết ơn của tôi đối với các thầy cô đã dạy tôi ở trường phổ thông mà tôi hằng ngưỡng mộ. Họ là những tấm gương giúp tôi tự soi mình”.

2. “Bộ truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam” gồm 18 cuốn: Chuyến xe cuối cùng đã đi, Thiên thần không có cánh, Bản tình ca mùa thu, Vằng vặc một tấm lòng, Mùa cát nổi, Giáo giới trường tôi liệt truyện, Ngày trở về, Mùa của ngày hôm qua, Ngẩng đầu lên đi em, Một mình chơi trốn tìm, Cô sẽ giữ mùa xuân cho em, Hoa mẫu đơn, Bác tạp vụ và ông Giám đốc sở, Khung của chữ, Một truyền thuyết, Mạnh hơn 113, Nẻo khuất, Bình minh trong ánh mắt.

Bằng những tình cảm chân thật, người viết đã gửi vào mỗi tác phẩm những thông điệp thật giản dị. Đó là tình cảm của “thầy đồ” thời hiện đại, không chỉ chăm lo từng con chữ mà còn lắng nghe, thấu hiểu những suy cảm, hoàn cảnh của học trò. Trong truyện ngắn Thiên thần không có cánh của tác giả Võ Ngọc Mừng, cô giáo đã trở thành một người chị - người bạn. Sự quan tâm, lòng yêu thương sâu sắc của cô đã chạm đến cõi sâu thẳm những người học trò. Cô đã xuất hiện ngoài giờ lên lớp, không phải bằng các bài giảng trong giáo án mà bằng sự động viên, đồng cảm để giúp học trò vượt qua nghịch cảnh. Bài học mà các em cần được đón nhận là tình yêu thương, những lời động viên để giúp các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thiên thần không có cánh ấy đã đến với các em bằng trái tim của một người chị, người bạn.

3. Từ văn chương, những câu chuyện cảm động của những người thầy đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin - Du lịch tổ chức chuyển thể thành Tuyển tập kịch bản viết về nhà giáo Việt Nam (hai tập) và nhanh chóng tạo được dấu ấn trong giới sân khấu. Lâu nay các soạn giả thường viết kịch bản từ ý tưởng, từ những chất liệu riêng của mình.

Truyện ngắn vốn kiệm lời, kiệm nhân vật, tình tiết, chủ đề lại chuyên về đề tài nhà trường, xa với những hỉ, nộ, ái, ố đời thường. Thế nhưng, các soạn giả đã tìm được nguồn cảm hứng trong 855 truyện ngắn với những câu chuyện cảm động, chân thực và giàu chất liệu văn học. Và dẫu nhiều truyện vẫn còn mỏng, đôi khi chỉ là kỷ niệm về người thầy nhưng tất cả các tác phẩm tự thân đã là viên ngọc thô chờ bàn tay mài giũa của các soạn giả.

Truyện ngắn Đạo của tác giả Đỗ Hồng Lam khi chuyển thể thành kịch đã có sự thay đổi về cấu trúc. Với thể loại chèo, tác giả truyện ngắn và soạn giả sân khấu gặp nhau ở ý tưởng đề cao giá trị đạo đức. Vì vậy tinh thần của truyện ngắn khi chuyển thể thành chèo đã được thăng hoa một lần nữa làm cho bài học đạo đức gần gũi, dễ tiếp cận với giới trẻ.

Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), các Đoàn nghệ thuật: Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, Đoàn cải lương tỉnh Đồng Tháp sẽ công diễn tác phẩm Một cây làm chẳng nên non của Nguyễn Đăng Chương và Nhà hát Thế Giới Trẻ sẽ diễn vở Vết khắc trái tim của Thu Phương phục vụ cho giáo viên, học sinh, sinh viên… Đây là một tín hiệu đáng mừng để các tác phẩm về thầy cô giáo đến gần hơn nữa với giới trẻ hôm nay. 

THÙY DUNG

Tin cùng chuyên mục