Những ngôi nhà nặng nghĩa tình

Những ngôi nhà nặng nghĩa tình

Tháng 3 vừa rồi là thời khắc đáng nhớ của 12 cựu thanh niên xung phong (TNXP) và 8 gia đình cựu chiến binh đang sinh sống tại Quảng Ngãi. Những đồng đội cùng chiến đấu, sống chết có nhau thời chiến tranh, nay có cùng niềm vui nhận nhà mới do chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng với sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Quảng Ngãi trao tặng.

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm nhà đồng đội, ông Đào Văn Hanh, Chủ tịch Hội cựu TNXP Quảng Ngãi luôn miệng nói, cười. Niềm hạnh phúc vô bờ của ông lan tỏa sang tất cả chúng tôi.

  • Ngày ấy...

Chiến tranh đi qua đã lâu, nhưng ký ức về những tháng ngày chiến đấu bên nhau vẫn như nguyên vẹn trong ông. Ông kể cho chúng tôi nghe vanh vách công việc của từng đồng đội, từng trận đánh… mà trên 500 TNXP Ban hành lang H70B ở Quảng Ngãi đã từng tham gia. Ngày ấy, họ được sắp xếp về các đội thuyền có tên Bắc Hải, Trung Hải và Nam Hải; các đội xe thồ Trung Sơn, Sơn Hải, C34, C14 và các đội vận tải khác như Sao Mai, Quyết Thắng, Trường Sơn….

Nhiệm vụ chính là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm và mở đường ô tô phục vụ chiến trường. Trong đó, đơn vị 228 đi tiên phong, mở đường từ Nà Niêu đi Tân An - Sơn Tịnh; rồi Cà Đáo đi Di Lăng hoặc đến eo Xà Lang giáp Quảng Nam, Bình Định với tổng chiều dài ước tính trên 500km. Họ cũng tham gia đào, chuyển hàng ngàn mét khối đất, cát để đắp các hệ thống ngầm của sông Hrin, Hre, Xà Lò và Trường An ở Ba Tơ. Tháng 5-1965, TNXP Quảng Ngãi lập chiến công đầu với chiến thắng Ba Gia và sau đó 3 tháng đến chiến thắng Vạn Tường... vang dội.
 
Câu chuyện về ông Đào Văn Hanh và vợ Bạch Thị Lan, một nữ công nhân làm đường cùng đơn vị hết sức cảm động. Sau khi ra trường đi dạy học được 2 năm, ông tham gia đội ngũ TNXP của tỉnh, năm 1969 được điều về Ban Giao vận Khu 5 (hay còn gọi là Ban Giao thông Vận tải khu 5) với nhiệm vụ chính là y tá. Tuy vậy, ông cũng tham gia vận chuyển lương thực, khiêng vác và chăm sóc thương binh trước khi đưa họ về tuyến sau.

Trong một lần đi mở đường, ông và nhóm công nhân làm đường bị một trận dội bom diện rộng của Mỹ. Ông Hanh nhớ lại: “Tối hôm trước anh em còn ngồi bên nhau ăn cơm chung, vậy mà sau trận dội bom, đã có mấy người hy sinh. Tôi cùng những người còn lành lặn cáng anh em chạy về tuyến sau để chữa trị vết thương mà lòng nặng trĩu”. Trong những người bị thương lần đó có cô Lan. Cô bị mảnh bom B57 ghim vào chân, chịu thương tật 46% vĩnh viễn.

Sau này, hai người nên duyên vợ chồng. Ông Hanh tâm sự: “Mấy chục năm sống chung, tôi vừa là chồng vừa là đồng đội và tình nguyện làm người bạn đường tận tụy, chăm lo cho cô ấy và các con… đến suốt đời”. Trong nhóm đồng đội cũ còn có vợ chồng ông Bạch Văn Huynh và cô Nguyễn Thị Xuân. Họ cùng đơn vị và sau khi chiến tranh kết thúc lại tiếp tục gắn bó với nhau trên đường đời…

  • ...bây giờ

Sau khi nghỉ hưu, sức khỏe kém, là thương binh 3/4 nhưng ông luôn tích cực vận động tổ chức các buổi gặp mặt đồng đội, tham gia Ban liên lạc và Hội cựu TNXP tỉnh Quảng Ngãi, thành lập Quỹ nghĩa tình đồng đội để vận động xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho anh em cựu TNXP còn nhiều khó khăn. Ngoài 12 căn nhà tình nghĩa của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Hội cựu TNXP tỉnh còn phối hợp với Nhà hát Trần Hữu Trang (TPHCM) tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ, thu được gần 500 triệu đồng giúp đồng đội vượt qua khốn khó.

Khi biết đoàn Báo SGGP phối hợp với Vietcombank Quảng Ngãi đến thăm một số hộ gia đình cựu TNXP nhận nhà tình nghĩa trong giai đoạn I, ông Hanh gác lại mọi việc, kiếm xe đưa chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Ngẫm ở xã Tịnh Hòa và bà Đỗ Thị Đủ ở xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Bà Đỗ Thị Đủ trước đây tham gia hoạt động ở Ban hành lang H70B, sau chiến tranh sống một mình. Do mất sức lao động nên không làm ra tiền sửa chữa nhà cửa. “Nhìn căn nhà cũ của bà ấy thấy thương lắm. Dột nát đủ chỗ, mùa mưa không biết làm sao đủ ấm” - bà Lê Thị Minh Thoa, Ủy viên BCH Công đoàn cơ sở của Vietcombank Quảng Ngãi, người khảo sát căn nhà bà Đủ trước khi xây nhà mới, cho biết.

Ông Đào Văn Hanh (bìa phải), Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Ngãi, đến thăm đồng đội cũ là bà Lê Thị Ngẫm ở xã Tịnh Hòa.

Ông Đào Văn Hanh (bìa phải), Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quảng Ngãi, đến thăm đồng đội cũ là bà Lê Thị Ngẫm ở xã Tịnh Hòa.

Bây giờ thì khác rồi, sau hơn 3 tháng thi công, căn nhà dột nát ấy đã nhường chỗ cho một căn nhà mới, ấm cúng. “Chúng tôi rất vui vì đã cùng chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP trao nhà cho những người rất xứng đáng. Các anh ở Hội cựu TNXP và Hội cựu chiến binh tỉnh rất có trách nhiệm, giúp dự án khởi công và hoàn thành đúng tiến độ” - bà Thoa bày tỏ.

“Năm nay chúng tôi quyết tâm thực hiện khoảng 10 căn nhà đồng đội qua việc vận động 13.250 hội viên đóng góp mỗi người 20.000 đồng. Ngoài ra sẽ tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao sổ tiết kiệm và có một khoản tiền để đến thăm, chăm sóc các anh em cựu TNXP đau ốm” - ông Hanh tâm sự.

Ở cái tuổi ngoài 60, ông vẫn hăng hái với những dự định vì đồng đội. Với ông, điều đọng lại trong suốt những năm tháng kháng chiến và sau này hòa bình lập lại vẫn là “nghĩa tình đồng đội”.

MINH THẢO

Tính đến 20-4-2011, có 614 căn nhà tình nghĩa do Ngân hàng Vietcombank tài trợ cho chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu TNXP đang còn nhiều khó khăn trong cuộc sống tại 15 tỉnh, thành trong cả nước, với tổng trị giá hơn 18 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục