Puih Thái (29 tuổi, một trong những người được giải cứu) cho biết, giờ chí thú làm ăn ở làng, không muốn đi đâu nữa. “Về được quê hương, em rất mừng. Hàng ngày em đi làm thuê, nhặt điều, tiền công từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Chính quyền địa phương cũng quan tâm, hỗ trợ rất nhiều, nhờ đó em đã trả được khoản nợ 40 triệu đồng mà gia đình vay mượn để chuộc em về. Sắp tới đây, em sẽ vào làm công nhân cho công ty cao su, thu nhập ổn định hơn”, Thái chia sẻ.
Trước đó, Thái bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao” nhưng rốt cuộc được giao nhiệm vụ dùng mạng internet để lừa đảo, làm không đạt chỉ tiêu thì bị chủ tra tấn. Sau khi liên lạc cầu cứu, Thái được lực lượng chức năng đưa về nhà trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Bạn của Thái là Puih Môi (19 tuổi) hiện cũng đang yên ổn làm ăn tại địa phương sau khi được giải cứu. “Giờ đây, em sống hạnh phúc với gia đình, đã đi làm có tiền. Giờ em không muốn đi đâu cả”, Môi nói.
Kloong là ngôi làng nghèo nhất của xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Tháng 6-2022, cư dân trong làng một phen hốt hoảng khi phát hiện 7 con em đã bị kẻ gian lừa gạt sang Campuchia “làm việc nhẹ lương cao” nhưng lại gánh chịu cuộc sống khổ sai ở đất khách. Nhiều gia đình vay mượn tiền bạc gửi sang Campuchia để “chuộc” con về. Lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc điều tra, xử lý. Đến tháng 7-2022, 7 công dân đã được lực lượng chức năng đưa về, kết thúc giai đoạn sống cơ cực ở Campuchia. Đến nay, với sự giúp đỡ của nhà nước, những nạn nhân bị lừa gạt ngày nào đã trở lại cuộc sống bình thường.
Ông Ksor Tuy, Bí thư Đảng ủy xã Ia O, cho biết, 7 người ở làng Kloong bị lừa gạt sang Campuachia hiện sống với gia đình. Từ lúc họ trở về, xã và lực lượng biên phòng đã có nhiều chính sách để chăm lo đời sống, giúp họ sớm an cư. Xã còn liên hệ với các công ty cao su để đưa họ vào làm công nhân, đồng thời cử cán bộ đến tận nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm sớm có hướng tháo gỡ.
“Giờ đây, những công dân này trở thành “tai mắt” giúp chính quyền trong việc ngăn chặn kẻ gian lừa gạt người dân xuất ngoại làm việc nhẹ lương cao. Trong các buổi họp dân, xã cũng mời những người này kể về chiêu bài lừa gạt nhằm giúp người dân tránh đi vào vết xe đổ. Nhờ đó, 8 tháng qua, từ lúc xảy ra vụ 7 công dân bị lừa gạt, không có công dân nào của xã bị lừa nữa”, ông Ksor Tuy chia sẻ.