
Lâu nay, những công trình nghiên cứu xung quanh Truyện Kiều vẫn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Và “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” (NXB Giáo Dục) do Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu là công trình giá trị nhân kỷ niệm 240 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du.
Có thể nói, chưa ai thống kê được có bao nhiêu công trình nghiên cứu, bao nhiêu bài báo viết về Truyện Kiều. Bởi lâu nay bạn đọc mải mê tìm kiếm, khám phá Truyện Kiều mà chưa một lần dừng lại với những xúc cảm ấy. Nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít vốn có rất nhiều bài viết về Truyện Kiều, nhưng lần này ông lại ở vị thế của một người đọc uyên thâm.
Sự kỳ công tập hợp, tuyển chọn 208 bài viết của 158 tác giả về Truyện Kiều trong gần 200 năm qua đã tạo nên một sự đầy đặn và sâu sắc trong “200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều”. Từ những tài liệu nghiên cứu tại Viện Hán - Nôm đến những bài viết của các cây bút phê bình tên tuổi như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Bùi Giáng, Nguyễn Khắc Viện… Mỗi tác giả là một góc nhìn càng tôn thêm vẻ đẹp của Truyện Kiều như huyền thoại. Việc sắp xếp các bài nghiên cứu Truyện Kiều theo chuyên mục giúp bạn đọc dễ tiếp xúc với công trình đồ sộ gần 2.000 trang. Sách được chia làm hai phần: “Tác gia Nguyễn Du và Truyện Kiều nhìn từ góc độ lịch sử - văn hóa” và “Những lĩnh vực nghiên cứu và tiếp cận Truyện Kiều”.
Ở góc độ nào, người đọc cũng cảm nhận được con người xã hội của Nguyễn Du với những nỗi niềm nhân tình thế thái. “Những người xuất thân trong giai cấp phong kiến như Nguyễn Du, tuy không bị chế độ chà đạp một cách tàn nhẫn như người cùng khổ, nhưng thường lại hay cảm thấy sự chà đạp kia một cách thấm thía hơn…” (Hoài Thanh). Hay “Kiều đã sống cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý…” (Bùi Giáng).
Làm động tác của một người sưu tầm, hệ thống hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn về cách sắp xếp bố cục, quan điểm bình luận không thống nhất - có khi trái ngược nhau… Thế nhưng nhà nghiên cứu - sưu tầm Lê Văn Lít đã sắp xếp khoa học, dẫu những bài viết khen, chê trái ngược nhau vẫn nằm trong một khối thống nhất. Đặc biệt sự tồn tại độc lập, cách khoảng về thời gian đã được gắn kết thành một tác phẩm đồ sộ và giá trị.
“200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều” như một cuộc hội ngộ thú vị, bởi nơi ấy chất chứa những công trình nghiên cứu, nhận xét, đánh giá và cả xúc cảm sâu sắc của những người yêu và hiểu Truyện Kiều. Dẫu có nhiều ý kiến trái ngược, dẫu có nhiều bài viết cách nhau khoảng 200 năm… nhưng tất cả đã làm nên sự hạnh ngộ trong “200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều”.
Dung Thùy