
Cách đây không lâu, khi bên ngoài những tòa nhà cao tầng bị tróc sơn, rêu phủ… thì những người làm vệ sinh kính và sơn lại mặt tiền tòa nhà cao ngất ấy đã xuất hiện. Họ là những công nhân của các công ty xây dựng, trang trí nội thất. Đến nay, người dân thành phố đã không còn xa lạ với những chàng trai đu đưa cùng sợi dây thừng dài để làm vệ sinh hay sơn bên ngoài các tòa nhà cao tầng mà mọi người hay gọi họ là “người dơi”.
Học nghề đu dây

Lau kính tại một cao ốc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.
Thấy gương mặt tôi lộ vẻ lo ngại khi nhìn anh em đu dây giữa trời, anh Phương, Đội trưởng thi công của Công ty TNHH xây dựng – trang trí nội thất Sơn Hoàn Mỹ (phường 15, quận Phú Nhuận), nói: “Người ngoài nhìn anh em tụi tôi thi công thì cảm thấy lo lắng vì anh em đu đưa trong gió và sợ đạp bể kính. Nhưng, thật ra những tấm kính đó rất dày!”.
Các loại kính phủ bên ngoài các tòa nhà cao tầng được sản xuất trong nước hay nước ngoài cũng đều có độ dày lên đến vài chục ly. Tôi còn nhớ cách đây hơn 2 năm tòa nhà Diamond Plaza trên đường Lê Duẩn bị hỏa hoạn. Dù đã sử dụng thiết bị chuyên dùng nhưng lực lượng chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phá vỡ những tấm kính dày cộm bao phủ tòa nhà để chống tụ khói.
Nghề “đu dây” để tiểu tu, trung tu các mặt tiền cao ốc mới thịnh từ khi các tòa nhà cao vài chục tầng xuất hiện ở thành phố như: Thuận Kiều Plaza, Cao ốc 33 tầng ở đường Tôn Đức Thắng, tòa nhà Metropolis… Anh Nguyễn Thanh Trung, người thợ xây dựng có thâm niên trong nghề bồi hồi nhớ lại: “Khoảng năm 1995, khi công nghệ sơn nước xuất hiện trên thị trường xây dựng, nhiều thợ quét vôi chuyển nghề thành thợ sơn nước. Và để thi công ở các mặt tiền các cao ốc thì không còn cách nào khác là họ phải “nâng cấp” mình bằng cách học sơn trên những sợi dây đu đưa trong gió ở độ cao vài chục mét”.
Ít ai có đủ kiên nhẫn nhìn các “người dơi” buông người từ trên cao xuống để làm vệ sinh hay sơn mặt tiền các cao ốc. Vì công việc của họ rất nhàm chán, đứng từ đằng xa thì không quan sát được mà ở gần thì người xem sẽ… mỏi cổ. Vừa thả dây chạm đất, anh Trần Văn Tài, nhà ở quận 6, vội vàng lấy thuốc hút để lấy lại tinh thần sau nhiều giờ đu đưa trên cao. Trên người anh Tài dường như chỉ còn cái khăn quấn đầu là mềm mại và tương đối sạch sẽ. Còn lại quần áo bảo hộ và giày vớ dính đầy bụi sơn và cứng ngắt.
Cũng như hơn hai mươi anh em khác đang công tác tại đội sơn của Công ty TNHH Sơn Hoàn Mỹ, anh Tài đến với nghề đu dây một cách rất tình cờ. Do trước đây khi còn trong quân đội, anh Tài từng học môn học liên quan đến thao tác đu dây nên khi xuất ngũ, thấy Công ty Sơn Hoàn Mỹ tuyển người thì đăng ký. Đến nay anh Tài đã có gần 10 năm trong nghề sơn và hầu như mặt tiền các cao ốc ở thành phố đều có dấu chân của anh.
Anh Tài cười trong khi bập bập điếu thuốc: “Lần đầu tiên đu dây trên các tòa nhà cao tầng, giữa phố đông người qua lại, cũng sợ lắm, dần dà rồi quen”. Lúc mới vào nghề anh Tài may mắn được chú Năm Hữu (Giám đốc Công ty Sơn Hoàn Mỹ) trực tiếp huấn luyện và kèm cặp trong lúc thi công sơn nước các tòa nhà cao tầng, nhờ thế mà bây giờ anh trở thành thợ sơn “có giá” trong số ít ỏi các thợ chuyên sơn mặt tiền cao ốc. Theo anh Tài, sơn bằng dây đui như hiện nay, nhìn thì “ghê” vậy nhưng vẫn an toàn hơn thi công trên cao bằng giàn giáo, nếu mình thực hiện đúng thao tác.
Kiếm sống giữa trời

Chỉ bằng những sợi dây thừng buộc chặt vào người để đảm bảo “an toàn”, vừa để “đung đưa” mỗi khi lăn sơn hay lau kính. (Trong ảnh chụp các thợ lăn sơn tại khách sạn Caravelle, Q1). Ảnh: Lã Anh
Trước giờ thực hiện công việc đánh đu với độ cao, nét mặt những người trong đội đều căng thẳng. Mỗi người, mỗi việc và chẳng ai nói với ai câu nào. Anh Ba, Tổ trưởng Tổ sơn lẳng lặng ngắm nghía các vị trí để cột dây bảo hộ, là một sợi thừng to, dài khoảng 200m từ trên sân thượng tòa nhà Caravelle.
Công việc này rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của anh em thợ sơn và sự an toàn của công trình, nên dù anh Ba đã kiểm tra kỹ trước khi cột dây vào những trụ bê tông, các anh em thợ sơn vẫn tự mình kiểm tra một lần nữa các mối cột. Sau đó, các thợ sơn sẽ thực hiện phần việc tự “cột sinh mạng” của mình vào sợi dây cái ấy. Mỗi người thợ sơn phải biết “làm chủ” 2 sợi dây.
Một móc vào thắt lưng an toàn và một móc vào mảnh ván dài để ngồi khi thi công. Trước khi buông mình xuống từ tầng cao các anh thợ sơn ra sức giật kéo thật mạnh sợi dây của mình và kiểm tra móc an toàn giống như ròng rọc. Dù làm nghề bao nhiêu năm hay mới vào, khi chuẩn bị buông mình xuống từ tầng cao, nét mặt ai cũng căng thẳng, có người còn lâm râm khấn vái hoặc làm dấu thánh giá.
Theo các thợ sơn thì đại kỵ nhất trong lúc đu dây thi công mà đùa giỡn hay nói chuyện. Hồi còn sống, chú Năm Hữu, GĐ Công ty Hoàn Mỹ rất ghét chuyện đó, khi phát hiện chú ra lệnh dừng thi công và thậm chí đuổi khỏi công trường. Vì sao thế? Bởi khi thi công giữa trời cao ấy chỉ cần lơ là một chút, tai nạn ghê sợ nhất có thể sẽ xảy ra.
Do nghề mang tính đặc thù riêng ấy nên tiêu chuẩn tuyển rất gắt. Ngoài sức khỏe dẻo dai, vóc người không được quá bé nhưng cũng không quá dềnh dàng, các thợ sơn cần phải có lòng dũng cảm, không ngại độ cao và có tay nghề tốt hơn các thợ sơn trong nhà.
Đến thời điểm này, chưa có trường lớp nào dạy “đu dây” cho các thợ sơn ngoài trời và làm vệ sinh kiếng mặt tiền các cao ốc, họ phải học sơn ngoài trời từ tầng thứ 2, thứ 3 một tòa nhà để rút kinh nghiệm xử lý hướng gió, xử lý các thiết bị chuyên dùng. Người đi trước chỉ dạy người đi sau bằng kinh nghiệm mà trước đó họ và đồng nghiệp đã “mua” được bằng mồ hôi và nước mắt.
Nghề làm việc trên độ cao như thế ngoài việc tay nghề phải giỏi thì đây là nghề nguy hiểm. Anh Tài, người có gần 10 năm trong nghề, tâm sự: “Nghề của anh em tụi tôi tính theo phần việc thực hiện chứ không theo thời gian nên nếu cần thì cả chủ nhật cũng làm. Nếu ngày thường thu nhập 100.000 đồng/ngày thì ngày chủ nhật làm thêm sẽ nhận tiền không quá 150.000 đồng”.
Thu nhập chỉ có thế nhưng điều kiện làm việc khá nguy hiểm nên các “người dơi” trẻ chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Và nếu có vợ rồi thì cũng “trù trừ” không dám có con. Hiện nay, các công ty làm vệ sinh hoặc sơn mặt tiền các cao ốc đã có máy móc hỗ trợ phần kỹ thuật, nhưng các “người dơi” mà tôi gặp hôm qua khi thi công sinh mạng của họ lại chỉ trông chờ vào sự an toàn của sợi dây thừng.
Đoàn Hiệp