Những người “dựng” đường biên

Trời Đắk Oóc. Mưa. Lạnh. Ống quần vắn lên tận đầu gối, đôi bàn chân đặc quánh bùn dẻo quẹo. Đất vàng khè vừa bám vào cẳng chân đã nứt nẻ vì thân nhiệt và gió. Thời tiết phía Tây dãy Trường Sơn, miền Tây Quảng Nam khắc nghiệt cả 4 mùa. Những khó khăn, gian khổ trong công tác khảo sát, cắm mốc biên giới dường như tăng lên gấp nhiều lần tại vùng đất này…
Những người “dựng” đường biên

Trời Đắk Oóc. Mưa. Lạnh. Ống quần vắn lên tận đầu gối, đôi bàn chân đặc quánh bùn dẻo quẹo. Đất vàng khè vừa bám vào cẳng chân đã nứt nẻ vì thân nhiệt và gió. Thời tiết phía Tây dãy Trường Sơn, miền Tây Quảng Nam khắc nghiệt cả 4 mùa. Những khó khăn, gian khổ trong công tác khảo sát, cắm mốc biên giới dường như tăng lên gấp nhiều lần tại vùng đất này…

  • Biết ngày đi, không rõ ngày về

Sau hơn nửa tháng vượt rừng thiêng nước độc để khảo sát cột mốc 725 - cột mốc thứ 34 trong số 60 cột mốc trên 142km tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông, nét khổ nhọc hiện rõ trên khuôn mặt của những thành viên đội cắm mốc liên hợp thuộc Ban chỉ đạo cắm mốc Quảng Nam đặt tại cửa khẩu Đắk Tà Oọc.

Đội có 17 thành viên. Người lớn tuổi nhất tròm trèm 60, trẻ nhất cũng đã tiệm cận nửa đời người. 2 tháng qua, rừng Trường Sơn mưa tầm tã, lũ về cuồn cuộn nhưng họ vẫn miệt mài băng rừng, vượt lũ để kịp hoàn thành cột mốc 725.

Anh Đàm Hữu Hoạt (58 tuổi), cán bộ kỹ thuật của Bộ Tài nguyên - Môi trường, thành viên “già” nhất đội cắm mốc tỉnh Quảng Nam, cũng là người có thâm niên cao nhất với 10 năm hành nghề cắm mốc từ biên giới phía Bắc đến Quảng Nam. Với bề dày như vậy, anh chẳng lạ gì những chuyến đi ròng rã cả tháng trời trong rừng để khảo sát, xác định địa điểm xây cột mốc. Thế nhưng, những tháng ngày tham gia xẻ dọc Tây Trường Sơn đi cắm mốc tại Quảng Nam vừa qua quả là những ngày tháng “nằm gai nếm mật” đối với anh.

Rừng Trường Sơn dốc đứng như cột cờ. Những con dốc cằm chạm đầu gối, gót chân người đi trước chạm mũi người sau. Nói là đi nhưng thực chất phải bò. Không có con dốc của dãy Trường Sơn nào là… dễ thở. Để dựng được cột mốc mất 3 tháng khảo sát, 2 tháng trung chuyển vật liệu và 1 tuần lễ để hoàn thành. Tuy dự tính như vậy, nhưng kế hoạch thường phải thay đổi liên tục do thời tiết, và nhiều lý do khác. Vì vậy, cột ghi “ngày đi” bao giờ cũng rất cụ thể ngày tháng, còn cột “ngày về” phải bỏ trống. Thời gian tính từ điểm tập kết lực lượng đến vị trí cắm mốc được tính bằng “ngày” cắt rừng đi bộ. Ít thì 1 ngày, nhiều hơn 1 tuần mới đến nơi.

“Nhiều tháng đi - ăn - ngủ trong rừng Trường Sơn, anh em chúng tôi có nhiều kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm đi nhanh, an toàn, đó là: Lên dốc bằng “4 chân”, xuống dốc bằng… mông!” - anh Hoạt hóm hỉnh.

Giữa rừng già, ngán nhất vẫn là mưa. Rừng Trường Sơn mưa như trút nước, đường đi hiểm nguy lũ ống, lũ quét và thú dữ. Ngày đi mệt nhoài, đêm xuống không dám chợp mắt bởi mưa rừng thường kéo theo lũ quét, lũ ống. Mùa khô, trên những đỉnh núi cao hơn 2.000m, nước quý hơn vàng. Mỗi lần đi khảo sát vị trí cắm mốc đơn phương hoặc song phương với các bạn Lào, việc đầu tiên của đội là tìm vị trí gần nguồn nước để dựng lán trại.

“Có những lúc thiếu nước, anh em phải ra giữa dòng suối chết để đào ục mót nước nấu cơm. Gạo trắng nhưng nấu xong thì có cơm… vàng” - anh Nguyễn Minh Chánh - Đội trưởng Đội cắm mốc chia sẻ.

Theo kế hoạch của Chính phủ giao, đến năm 2012 tỉnh Quảng Nam phải hoàn thành xong 60 cột mốc dọc tuyến biên giới Việt - Lào. Đến nay, Đội liên hợp cắm mốc hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông (Lào) đã tiến hành khảo sát song phương và triển khai xây dựng được 33 cột mốc.

Cột mốc biên cương giữa Tây Trường Sơn. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cột mốc biên cương giữa Tây Trường Sơn. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

  • “Cột mốc” trong lòng dân

Dọc biên giới Quảng Nam - Sê Kông, đồng bào Ve, T’riềng (hai nhánh của dân tộc Zẻ Triêng - PV), K’tu… sống trải dài theo đường biên, giữa dãy Trường Sơn. Ở huyện biên giới Nam Giang (Quảng Nam), giáp với Đắk Chưn (Sê Kông, Lào), có 3 đồn biên phòng 653 (xã La Êê), 657 (xã La Dêê) và 661 (xã Đắk Pring), trong đó đồn 657 có cửa khẩu Đắk Tà Oọc nối tỉnh Sê Kông với vùng duyên hải miền Trung qua quốc lộ 14D. Từ đồn biên phòng này sang đồn biên phòng khác mất ít nhất 5 giờ đi bộ, đường đi lầy lội, hiểm trở; đường từ đồn xuống bản cũng phải tính bằng ngày lội bộ xuyên rừng.

Anh A Lăng Vứn - Chính trị viên 2 Đồn biên phòng 657, là người Zẻ Triêng, đôi chân nhanh như sóc, sức vóc như gấu, đường rừng nằm lòng, bản làng thuộc như lòng bàn tay. Anh đã nhiều năm công tác ở Đồn biên phòng 661, từng đi đến những bản làng hoang sơ nhất như bản Pê Ta Bốt (xã Đắk Pring), nơi chỉ có 8 hộ với 26 nhân khẩu sống trong rừng sâu giáp với tỉnh Kon Tum, tách biệt với bên ngoài, vừa được bộ đội biên phòng phát hiện vài năm trước.

Anh cho biết, từ ngày bộ đội biên phòng về bản cắm chốt, cùng ăn cùng ở, cùng sinh hoạt với dân bản, rồi tổ chức dạy học xóa mù chữ, dạy dân bản cách làm lúa nước, cách ăn sạch uống sạch và triển khai Dự án “Ngân hàng bò”, đời sống người dân thay đổi rõ nét.

Cũng như Pê Ta Bốt, bộ đội biên phòng Đồn 657 đã cùng người dân bản Đắk Rế (xã La Dêê) thoát nghèo. “Bộ đội biên phòng cũng giúp dân dựng nhà Gươl (nhà truyền thống), dạy dân trồng lúa nước, xây dựng “ngân hàng bò”… Bữa cơm no đủ của đồng bào chính là mục tiêu cao nhất mà chúng tôi đã đề ra với cán bộ, chiến sĩ của mình” - Trung tá Nguyễn Hữu Quyết, Chính trị viên Đồn biên phòng 657 tâm sự.

Zơ râm Nguốn, Phó Chủ tịch xã La Dêê nói đầy vẻ tự hào: “Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa chính quyền và biên phòng trong nhiều hoạt động nên dân mình hiểu và nắm vững luật biên giới lắm. Bà con không quản ngại khó khăn hỗ trợ cán bộ trong việc vận chuyển vật liệu phục vụ cắm mốc bất cứ khi nào. Dân mình không bao giờ buôn lậu, gặp người lạ, người xấu là báo biên phòng liền”.

Cắm mốc biên giới thật khó. “Cắm mốc” trong lòng dân còn khó hơn gấp bội. Đó là công việc phải làm thường xuyên, không có điểm dừng. Để mỗi người dân biên giới thực sự là những cột mốc biên cương vững chắc, những chiến sĩ bộ đội biên phòng đã ngày đêm hy sinh rất nhiều những hạnh phúc cá nhân, những khát khao đơn sơ giản dị như vòng tay ấm của con cái mỗi ngày. Họ đã và đang “dựng” được đường biên vững chãi, bền chắc hôm nay và mai sau. 

NGUYÊN KHÔI – NGUYỄN HÙNG – PHI HẢI

Tin cùng chuyên mục