Những người làm nên lịch sử

Những người làm nên lịch sử

Chùm sách mừng Quốc khánh 2-9

Những cuốn sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, đã để lại dấu ấn sâu đậm với bạn đọc qua những nội dung thiết thực. Không nặng những số liệu lịch sử, các tác phẩm ra mắt đợt này hướng đến những con người, những cá nhân đã góp phần xây dựng đất nước.

Người trong cuộc

Đã có rất nhiều tác phẩm, từ lịch sử, khảo cứu đến văn học viết về những nhân vật của thời kỳ đầu lập quốc, thế nhưng hiếm có tác phẩm nào gây được sự chú ý như cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc Gương mặt những người cùng thế hệ (ảnh) do NXB Trẻ xuất bản những ngày cuối tháng 8 vừa qua. Nói là hiếm bởi đúng như nhan đề, tác giả sách - GS Vũ Đình Hòe chính là một trong những nhân vật của những ngày lập quốc đó. Cuốn sách trở thành tài liệu hiếm hoi phản ánh các nhân vật của 70 năm trước một cách gần gũi nhất có thể.

GS Vũ Đình Hòe (sinh ngày 1-6-1912, mất ngày 29-1-2011), ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8-1945, tham gia soạn thảo Hiến pháp và được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946. Khi Chính phủ Liên hiệp lâm thời thành lập, ông được cử làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục rồi Bộ trưởng Bộ Tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến năm 1960.

Tác phẩm Gương mặt những người cùng thế hệ của GS Vũ Đình Hòe chia làm 4 chương. Trong đó, chương đầu tiên có tên gọi Những người đã bỏ mình vì nước viết về những liệt sĩ hy sinh trong những buổi đầu lập quốc, trong đó có ông Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên đã chiến đấu ngoan cường với kẻ thù đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh. Ở chương Vài gương mặt bạn, tác giả viết về những người bạn từng cùng ông sống và chiến đấu thời kỳ đó như Hoàng Minh Giám, Nghiêm Toản, Nguyễn Cao Luyện… GS Vũ Đình Hòe kể những kỷ niệm với họ và qua đó giúp bạn đọc có thể phần nào hình dung về các nhân vật này.

Chương Đôi nét phác họa viết về Phan Anh, Hoàng Hữu Nam, Phan Mỹ, Lê Văn Hiến, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Trọng Khánh, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức. Các nhân vật được nhắc đến không phải với vai trò bạn bè mà tác giả đặt mình ở vị trí người quan sát để nhìn nhận về họ. 

Chương cuối dành nhiều trang viết về Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Huyên. Gương mặt những người cùng thế hệ khắc họa chân dung những trí thức, nghệ sĩ cùng thời với GS Vũ Đình Hòe vì độc lập, tự do của dân tộc.

Con đường họ đã đi qua

Con đường họ đã đi qua là nhan đề cuốn sách ra mắt đúng dịp 2-9 năm nay của tác giả Phạm Xuân Trường, Trưởng chi nhánh NXB Quân đội Nhân dân tại TPHCM.

Cũng nói về những cá nhân nhưng khác với tác phẩm của GS Vũ Đình Hòe viết về những người ngày đầu lập quốc, Con đường họ đã đi qua viết về những cá nhân đã đi suốt 70 năm lịch sử, họ đã góp phần vào công cuộc hình thành, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Dĩ nhiên thật khó để viết về hàng triệu con người đã góp phần làm nên lịch sử đất nước suốt 70 năm qua. Ở phạm vi của mình, tác giả cố gắng chọn ra 25 cá nhân tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực: nhà quân sự, khoa học, nhà báo, nghệ sĩ… Theo tác giả, những người trong sách đã sống và hiến dâng cả tuổi trẻ cho Tổ quốc. Mỗi nhân vật trong sách được khắc họa cao cả, vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị và gần gũi như câu chuyện về Giáo sư - Viện sĩ, Anh hùng LLVT Trần Đại Nghĩa qua lời kể của người thư ký với những chi tiết đời thường khi ông từ Pháp, theo Bác Hồ về nước, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng. Hay hình ảnh anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy với thành tích 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ, hết chiến tranh lại quay về với ruộng đồng, cây trái.

Bên cạnh những người lính, tác phẩm dành phần quan trọng cho các văn nghệ sĩ, những người đã đóng góp cho đất nước trên mặt trận tư tưởng. Từ những người của một thời chiến tranh như Phạm Tiến Duật, Thế Anh, Trà Giang, Lê Văn Thảo… đến những cây bút sau này như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư…

Những mốc son lịch sử

Bên cạnh những tác phẩm viết về các cá nhân, chùm sách nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, còn có nhiều tác phẩm lịch sử, ghi chép lại những dấu ấn quan trọng trong suốt 70 năm hình thành và phát triển của đất nước. Nổi bật trong số đó là bộ sách của NXB Chính trị Quốc gia gồm: Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris do nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung viết. Những dòng hồi ức của vị đại sứ đã gắn bó với công tác ngoại giao tại Pháp và một số nước Bắc Âu suốt gần 10 năm (1968-1975), đã tái hiện lại những hình ảnh, sự kiện ở Paris trong giai đoạn đấu tranh sục sôi giành mục tiêu cuối cùng: Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lịch sử Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975) trình bày rõ những nét chính của phong trào cách mạng rộng lớn dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam; Chung một bóng cờ, lần tái bản thứ ba của cuốn sách viết về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, được xuất bản lần đầu cách đây 22 năm, là kết quả đầy tâm huyết của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bạch Đằng... Cuối cùng là bộ tổng tập về Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Cuốn sách bên cạnh việc chuyển tải nguyên văn bản Tuyên ngôn độc lập còn giới thiệu các bản hiến pháp, phản ánh các thời kỳ lịch sử của dân tộc.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục