Gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng
Theo hồ sơ truy tố, Lee George Lam (cựu Thành viên HĐQT SCB) có thời gian làm việc từ tháng 6-2012 đến tháng 1-2015. Từ ngày 11-12-2012 đến 28-11-2014, ông Lee George Lam với vai trò của mình đã ký 8 biên bản họp và phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý hợp thức cho 68 khoản vay của bà Lan, có tổng dư nợ đến ngày 17-10-2022 là hơn 53.800 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay là hơn 34.000 tỷ đồng.
“Hành vi của Lee George Lam gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 19.700 tỷ đồng và cấu thành tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, bản cáo trạng cáo buộc.
Trong khi đó, cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB Henry Sun Ka Ziang được xác định từ ngày 1-7-2015 đến 31-8-2022, với vai trò của mình đã ký 487 biên bản, phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 356 khách hàng nhóm của bà Lan vay 600 khoản tại SCB, có tổng dư nợ hơn 577.600 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay là hơn 115.500 tỷ đồng. Ông Henry Sun Ka Ziang bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 462.000 tỷ đồng.
Hiện nay, 2 người này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, không rõ đang ở đâu. Bộ Công an cũng đã ra quyết định tách vụ án hình sự vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng liên quan 2 người này và quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Không xử lý hình sự với cá nhân bị lệ thuộc
Cơ quan công tố cho hay, trong vụ án xảy ra tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhóm cán bộ ở cấp đơn vị, chi nhánh cho vay, tái thẩm định cho vay, tham mưu cho ban tổng giám đốc, cán bộ giúp việc cho HĐQT, ban kiểm soát có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định; kiểm tra, kiểm soát hoạt động SCB và những người ở cấp đơn vị, chi nhánh tham gia hạch toán liên quan tiền giải ngân các khoản vay của bà Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, họ đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt, họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu.
Cơ quan công tố cũng cho rằng, những người làm ở vị trí trên trong quá trình điều tra đã tích cực hợp tác, góp phần hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm. Do vậy, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân làm ở các vị trí trên.
Đối với các bị can trong vụ án, ngoài hành vi bị điều tra, truy tố còn thực hiện hành vi sai phạm khi giữ các vị trí, vai trò thứ yếu trong việc tạo lập hồ sơ vay vốn khống, giải ngân để bà Lan sử dụng. Khi thực hiện hành vi sai phạm đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, thực hiện theo nhiệm vụ và yêu cầu của lãnh đạo SCB, do đó cũng không xem xét trách nhiệm hình sự những người này.
Trong khi đó, đối với bị can Nguyễn Phương Hồng (Phó Giám đốc SCB, đã chết) và Nguyễn Tiến Thành (Thành viên HĐQT SCB, đã chết) được xác định đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của SCB, giúp cho bà Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép của tổ chức tín dụng. Tuy vậy, 2 người này đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Các bị can khắc phục số tiền lớn
Tới nay, bị can Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu gái bà Trương Mỹ Lan) đã nộp khắc phục hơn 1.063 tỷ đồng và 3.000 USD. Ông Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư quảng trường thời đại Times Square, chồng bà Lan) khắc phục 1 tỷ đồng.
Bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nộp khắc phục 4,8 triệu USD cùng 10 sổ tiết kiệm có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Bà Nhàn bị viện kiểm sát truy tố tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) nộp lại 390.000 USD. Bà Nguyễn Thị Phụng (cựu Cục phó Thanh tra, giám sát ngân hàng II) khắc phục 20.000 USD và 210 triệu đồng...