(SGGP).- Đêm 28-5, tại Nhà hát truyền hình TPHCM đã diễn ra chương trình “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, những con tàu đầu tiên ra Bắc” do Hội Cựu chiến binh TPHCM, Đài Truyền hình TPHCM, Thành đoàn TPHCM và Ban liên lạc Truyền thống tàu không số phối hợp thực hiện. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà; Thiếu tướng Trần Đơn, Phó Tư lệnh Quân khu 7; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận; Trung tướng Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM; cùng lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh… đã đến dự.
Trước đó, Hội Cựu chiến binh TPHCM đã tổ chức cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia những con tàu đầu tiên ra Bắc đi thăm chiến trường xưa, ra Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn Cựu chiến binh đoàn tàu đầu tiên ra miền Bắc đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp đón. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu: “Vì nhiệm vụ cao cả, các chú đã đi trên những con tàu nhỏ bé như thế nhưng ra được đến miền Bắc, hoàn thành nhiệm vụ là quá đỗi anh hùng. Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ luôn tri ân công lao của các chú!”. |
Cách đây đúng 50 năm, khi đất nước đang bước vào cuộc chiến khốc liệt, song song với việc mở đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh Nam bộ tổ chức cho thuyền ra miền Bắc để thăm dò, kiểm tra, khảo sát luồng lạch, bến bãi, chuẩn bị cho một kế hoạch lâu dài vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Phát biểu tại buổi giao lưu, đại tá Nguyễn Văn Bạch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM, nhấn mạnh: “Có thể nói, những người vượt biển đầu tiên ra miền Bắc là những chiến sĩ cảm tử. Thuyền họ ra khơi phải cải trang thành những chiếc thuyền của ngư dân đánh bắt cá. Phương tiện đi biển của họ cũng không có gì ngoài một chiếc la bàn nhỏ. Nói cách khác, trong lòng họ chỉ có trái tim nóng hổi, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, nhìn sao Bắc đẩu làm chuẩn cho thuyền tiến về phía trước. Chính việc làm của họ đã giúp cho Trung ương có thêm quyết tâm thành lập đơn vị tàu không số “Phương Đông”. Và cũng chính họ sau đó trở thành những thủy thủ đầu tiên đi trên những con tàu ấy, vận tải vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam suốt 15 năm, vào ra liên tục cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại. Con đường ấy là bản anh hùng ca tuyệt vời, chắc chắn sẽ còn ngân vang truyền từ thế hệ này sang thế hệ người Việt Nam mai sau”.
Chương trình đã tổ chức giao lưu với 6 nhân vật tham gia chuyến vượt biển đầu tiên và nghe những câu chuyện cảm động về công tác chuẩn bị phương tiện và chặng đường khó khăn, gian nan vượt biển ra Bắc xin vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam cách đây 50 năm (1-6-1961 – 1-6-2011).
Đó là bà Nguyễn Thị Mười (má Mười Riều) và các ông Đặng Bá Tiên (tự Sáu Hải, thuyền trưởng tàu Bến Tre), Nguyễn Văn Đức (tự Sáu Đức, thủy thủ tàu Bến Tre), Ngô Văn Tân (tự Năm Kỹ, thủy thủ tàu Cà Mau), Nguyễn Sơn, Lê Hà (con má Mười Riều, thủy thủ tàu Bà Rịa – Vũng Tàu). Cả hội trường đã xúc động khi nghe ông Nguyễn Sơn, thủy thủ tàu Bà Rịa – Vũng Tàu kể 2 chuyến hành trình gian khổ ra miền Bắc trên con tàu bị phá nước, hư máy và bị địch bắt. Sau khi được địch thả ra (do không khai thác được thông tin gì), các ông đã sửa tàu và xin tiền ngư dân mua dầu, thức ăn để tiếp tục đưa tàu ra miền Bắc. Trên đường đi dù khó khăn, gian khổ, thiếu nước uống nhưng các ông vẫn vượt qua thử thách.
Ông Nguyễn Sơn tâm sự: “Thiếu ăn, thiếu mặc khắc phục được; nhưng thiếu vũ khí thì không thể khắc phục được. Do vậy, khi được lệnh ra miền Bắc chuyển vũ khí vào Nam chúng tôi đi liền không hề do dự. Dù biết chuyến đi sẽ rất gian lao, vất vả!”. Không những các ông được chọn đi trên các con tàu ra miền Bắc năm xưa có niềm tin mãnh liệt như vậy mà những người dân thời bấy giờ cũng hy vọng không kém.
Cả khán phòng khá bất ngờ với sự có mặt của má Mười Riều (năm nay đã ngoài 90 tuổi, đang sinh sống tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Má Mười Riều tâm sự: “Lúc đó, tôi gửi cho bà chị 10 lượng vàng và khi nghe tin mấy chú cần tiền mua tàu ra miền Bắc, tôi đưa ngay. Thậm chí, Lê Hà là đứa con khôn ngoan và tôi thương nhất tôi cũng cho nó tham gia chuyến đi đó. Tôi không tiếc gì với cách mạng. Đâu có gì mà tiếc, chỉ mong cho mau chiến thắng!”.
ĐOÀN HIỆP