Đào đường là chuyện bất đắc dĩ vừa mệt nhọc, lại gây ra bao phức tạp, phiền toái, nhất là những nơi có mật độ dân cao như TP Hồ Chí Minh. Nghe nói đến đào đường, ai cũng ngán ngẩm, có khi gây những ám ảnh như tắc đường, không kinh doanh buôn bán được. Nói chung là những bức xúc có thật.
Thế nhưng ít ai nghĩ đến những người thợ đào đường cực nhọc vất vả đến mức nào. Họ là những lao động tự do nhưng có kỹ năng hẳn hoi và có trách nhiệm, không chỉ vì mưu sinh mà còn có sự thông cảm với những ai liên quan đến việc đào đường. Những người thợ lúc nào cũng đen đúa gầy guộc, khắc khổ, ít có người béo tốt, hàng ngày phải lao động với cường độ cao tại những hạng mục, công đoạn khó khăn. Nếu như không có phương tiện máy móc và sự kiên trì chịu đựng gian khó của những người thợ thủ công thì những con đường giao thông, hệ thống thoát nước khó mà tốt lên được.
Những đoạn đường bị đào lên, được che chắn là nỗi khổ của người đi đường và những ngôi nhà mặt phố. Nó ngổn ngang đá, cát, xi măng, đất xúc dưới đường đổ lên, ống cống, nắp hố ga, chân cột xi măng để cắm tường rào... trông thật khủng khiếp. Thế là, những người thợ có dáng suy dinh dưỡng phải lao động cật lực giải quyết các khối ngổn ngang bề bộn đó trong một thời gian nhất định để trả lại sự nguyên trạng cho đường phố.
Họ đến đâu là những công trường thi công mọc lên với sự ầm ĩ khói bụi của máy cắt bê tông, máy đào xúc để đặt ống cống đủ cỡ, thiết lập hố ga, xe chở đất đá xà bần, xe chở nguyên liệu, máy trộn bê tông, máy nén, xe lu mặt đường, cuối cùng là láng nhựa hoặc tráng bê tông tái lập mặt đường.
Ban ngày thì cát bụi, bùn đất vương vãi, ban đêm thì tiếng động âm vang, có khi quá nửa đêm mới trả lại sự yên tĩnh cho phố phường. Nhiều lúc họ làm cả trong mưa cho kịp hợp đồng.
Nói thế thôi, chứ có công trình làm đường nào bảo đảm đúng thời gian hợp đồng. Nó dây dưa ra hàng tháng, hàng quý, hàng năm đối với những công trình lớn gặp sự cố, phát sinh sự việc.
Những người thợ đào và tái lập mặt đường hầu như làm việc liên tục, chỉ nghỉ ăn trưa chừng nửa giờ là ngoài đường lại vang lên tiếng máy xúc, tiếng búa choàng, xà beng đập phá mặt đường...
Những công nhân (có cả nữ) ướt đẫm mồ hôi đẩy xe goòng giải phóng đất đá, xà bần, lắp đặt ống cống, đào hố ga, đổ bê tông... Cực nhất là khi đào đụng hố ga nhà dân, nước thải tuôn trào, mùi hôi thối bốc lên ngạt thở. Họ phải dầm trong hố nước đen ngòm để làm việc cho đến khi hoàn thành. Trông cảnh đó mới thấy người thợ làm đường thật gian khổ.
Đó là người ở dưới đất. Còn người ngồi trên xe xúc phải liên tục luồn lách tránh những rừng dây rợ trên đầu.
Những đoạn đường được lắp đặt xong cho thấy kỹ thuật và trách nhiệm của họ khá tốt. Dường như những vụ “sập bẫy” mặt đường đã cho họ những bài học thiết thực.
Được hỏi, tại sao có những công trình bỏ bê, đáng 10 ngày thì một tháng chưa xong? Họ trả lời: “Chúng tôi là những người làm công, chủ thầu bảo đâu làm đó. Đang làm nơi này, nhưng chủ thầu nhận thêm một công đoạn nào đó, thế là chúng tôi phải bỏ dở, sang đấy làm, chứ đâu muốn kéo dài làm cực khổ bà con. Chúng tôi làm đây là công trình thoát nước, nhưng ở nhà mưa ngập thường xuyên, về nhà phải trằn ra tát nước...”. “Lao động nặng thế này thì chắc phải ăn dữ lắm?”. “Ăn trưa cơm hộp 12 ngàn thôi, phải dành tiền nuôi vợ con...”, họ nói.
Những con đường bề bộn, nhếch nhác rồi cũng trở lại lành lặn và mới hơn trước. Hệ thống thoát nước liên thông. Tình trạng mặt đường bị ngập nước nhanh chóng phá hủy trở thành những hố voi, hố trâu, đến ngày nào đó sẽ chấm dứt. Những người thợ đào đường lại đội nắng mưa đi “cải tử hoàn sinh” những con đường khác, góp phần làm cho thành phố sạch đẹp văn minh, bằng những công việc thầm lặng của mình.
HỒ SĨ THÀNH