Những nhà lãnh đạo lưu vong của hai thế kỷ

Thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21 chứng kiến nhiều biến động chính trị - xã hội lớn trên thế giới. Hậu quả của những thay đổi này là sự ra đi bất ngờ của hàng loạt nhà lãnh đạo từng có thời gian cầm quyền lâu năm.
Những nhà lãnh đạo lưu vong của hai thế kỷ

Thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21 chứng kiến nhiều biến động chính trị - xã hội lớn trên thế giới. Hậu quả của những thay đổi này là sự ra đi bất ngờ của hàng loạt nhà lãnh đạo từng có thời gian cầm quyền lâu năm.

  • Cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali

Tháng 1-2011, Tổng thống Tunisia Ben Ali bị lật đổ trong phong trào “Mùa xuân Arập”. Ông buộc phải rời bỏ đất nước đến sống lưu vong tại Saudi Arabia. Chưa rõ nơi ở cụ thể của nhà lãnh đạo này tại Saudi Arabia nhưng có nguồn tin cho biết, gia đình ông vẫn sống đầy đủ nhờ những tài sản bí mật chưa bị tòa án phong tỏa.

Cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali.

Cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali.

Ông Ben Ali cũng không còn đường hồi hương sau bản án 35 năm tù giam của Tòa án Tunisia. Phiên xét xử mở ra 6 tháng sau khi ông Ben Ali trốn chạy cũng chấm dứt sự nghiệp chính trị 23 năm lẫy lừng của ông. Trong phiên xét xử vắng mặt, các công tố viên khẳng định nhà lãnh đạo đã phạm các tội danh tham nhũng và biển thủ công quỹ. Dư luận cho rằng, đây là cái kết được báo trước trong những năm tháng lãnh đạo của ông Ben Ali.

Từ lâu, nền kinh tế của Tunisia đã suy yếu do tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Trong đó, người vợ thứ hai của ông Ben Ali, bà Leila Trabelsi đã khiến dân chúng bất bình khi “hô biến” những thành quả của nền kinh tế đất nước thành tài sản riêng của gia đình.

  • Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra

Ông là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất kể từ sau khi sống lưu vong. Paul Chambers, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan nhận định: “Những ai nghĩ rằng cuộc đảo chính năm 2006 là dấu chấm hết đối với ông Thaksin thì những người đó hoàn toàn sai lầm”.

Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và sống ở Dubai để tránh án tù vì cáo buộc tham nhũng, ông Thaksin vẫn được cho là đứng sau những biến động chính trị xảy ra tại Thái Lan thời gian qua.

Trong những ngày kể từ khi em gái ông là bà Yingluck thắng cử và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, tên ông Thaksin lại nóng hơn bao giờ hết, gây khó khăn cho chính phủ mới trong việc tranh thủ sự ủng hộ của công chúng và làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội. Cũng chính vì nguyên nhân này, chính phủ cũ của Thái Lan cũng luôn tìm cách dẫn độ ông Thaksin về nước thực thi bản án.

  • Cựu Tổng thống Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiyev

Ông Kurmanbek Bakiyev bỏ trốn khỏi thủ đô của Kyrgyzstan sau vụ bạo động ngày 7-4. Dù đã cố gắng tập hợp sự ủng hộ tại quê nhà ông ở miền Nam Kyrgyzstan, ông vẫn buộc phải rời đất nước sang tị nạn tại Belarus do sức ép từ phe đối lập. Ông Bakiyev khẳng định vẫn là tổng thống hợp pháp, nhưng lại tuyên bố sẽ không trở về nước để lãnh đạo.

Tân chính phủ Kyrgyzstan từng nhiều lần yêu cầu Belarus dẫn độ ông Bakiyev để xét xử nhưng do sự ủng hộ của Tổng thống Luskashenko, cựu Tổng thống Bakiyev vẫn được cư trú an toàn tại quốc gia này.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 6-4 ở thành phố Tây Bắc Talas, nơi một nhân vật đối lập bị bắt giữ và từ đó làm dấy lên làn sóng không hài lòng, vốn đã âm ỉ trong dân chúng do nạn tham nhũng và giá cả leo thang. Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra. Những người biểu tình xông vào chiếm các tòa nhà chính phủ, quốc hội và yêu cầu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev từ chức.

  • Cựu Tổng thống Haiti Jean-Claude Duvalier

Ông Duvalier trở thành tổng thống Haiti năm 1971 khi mới 19 tuổi, kế vị người cha quá cố Francois Duvalier, có biệt danh Papa Doc. Năm 1986, chính quyền của Duvalier bị lật đổ với những cáo buộc tham nhũng và cai trị Haiti bằng “quả đấm sắt” và tham ô hàng trăm triệu USD từ các quỹ nhà nước trong 15 năm cầm quyền.

Cựu Tổng thống Haiti Jean-Claude Duvalier.

Cựu Tổng thống Haiti Jean-Claude Duvalier.

Baby Doc đã sống lưu vong phần lớn ở Pháp suốt quãng thời gian sau. Chưa đầy 48 giờ sau khi trở về nước vào ngày 16-1-2011, trong bối cảnh căng thẳng chính trị vẫn bao trùm tại Haiti sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi vào tháng 11 năm ngoái, Baby Doc đã bị bắt giữ.

Hiện ông Duvalier vẫn đang được tại ngoại nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng khi tòa án triệu tập. Quá trình xét xử cựu chính khách này dự kiến kéo dài nhiều tháng. Tòa án Haiti tuyên bố đủ bằng chứng cáo buộc nhà cựu độc tài Duvalier đã phạm các tội tham nhũng, biển thủ công quỹ và liên quan tới các hoạt động tội phạm trong thời kỳ nắm quyền 1971 - 1986.

  • Cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor

Lên nắm quyền từ năm 1997, Charles Taylor được cho là người đã gây ra cuộc nội chiến khiến hơn 300.000 dân thường thiệt mạng và góp phần tàn phá cả hai đất nước Liberia và Sierra Leone trong những năm 1990. Ông cũng nổi tiếng với “thành tích” chặt tay chân thường dân vô tội, hãm hiếp tập thể và tuyển mộ binh sĩ trẻ em.

Cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor.

Cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor.

Sau 6 năm trên đỉnh quyền lực, Taylor buộc phải từ chức vào tháng 8-2003 sau khi bị hai nhóm phản loạn bao vây ở Monrovia. Ông sống tị nạn tại Nigeria trong 3 năm tại một tòa biệt thự nguy nga sang trọng với bầu đoàn thê tử tùy tùng. Sau khi Nigeria chấp nhận lệnh yêu cầu dẫn độ của tòa án đặc biệt do LHQ bảo trợ tại Sierra Leone, ông Taylor đã tìm cách chạy trốn nhưng bị bắt giữ.

Ông Taylor là nhà lãnh đạo châu Phi đầu tiên bị đưa ra xét xử như một tội phạm chiến tranh. Phiên tòa kéo dài trong nhiều năm cho đến tháng 3-2011, ông Taylor bị kết án 11 tội danh, trong đó có tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại do từng ủng hộ và vũ trang cho quân nổi dậy trong cuộc nội chiến kéo dài ở nước này để đổi lấy kim cương.

Phán quyết cuối cùng của tòa án dự kiến sẽ được công bố trong thời gian sắp tới. Có ý kiến cho rằng ông có thể sẽ phải đối mặt với án chung thân. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục