Những nữ “chiến binh” bóng chuyền

Năm 2023 trở thành điểm nhấn đặc biệt đối với bóng chuyền nữ Việt Nam, dù cho thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt vừa tiếc nuối rời SEA Games 32 chỉ với tấm HCB, với màn lên ngôi vô địch Cúp các CLB nữ châu Á lần đầu tiên trong lịch sử. Tiếng vang mà các cô gái bóng chuyền vừa tạo dựng có thể kiến thiết nên một tương lai mới đầy hứa hẹn…
Niềm vui chiến thắng của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Niềm vui chiến thắng của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

0Hành trình chạm đến trái tim

Các cô gái bóng chuyền Việt Nam vừa chơi một trong những trận chung kết hay nhất trong lịch sử các lần tham dự SEA Games với Thái Lan, nền bóng chuyền đã vươn đến tầm châu Á và thế giới. Đêm 14-5 ở Phnom Penh thật đáng nhớ, dù đổi lại, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chỉ nhận được tấm HCB giống như 10 lần trước đó; tuy nhiên, cảm xúc mà Trần Thị Thanh Thúy, Như Quỳnh, Lâm Oanh, Kiều Trinh, Khánh Đang, Nguyễn Thị Trinh, Trà Giang, Tú Linh, Kim Thoa, Thanh Liên, Lý Thị Luyến, Bích Thủy… tạo nên đã thực sự chinh phục những trái tim yêu bóng chuyền.

Bằng chứng là sau khi trận đấu kết thúc và tấm HCV đã tìm được chủ nhân, tất cả các cổ động viên từ Việt Nam sang, cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Campuchia đều nán lại để sẻ chia với các cô gái bóng chuyền. Họ vẫn hô vang “Việt Nam! Việt Nam!...” giữa rừng cờ đỏ sao vàng, như để thay cho lời cảm ơn màn trình diễn tuyệt vời của đội tuyển quốc gia.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có những thất bại, mà không hiểu bằng một cách nào đó, lại biến thành cảm xúc dạt dào, lại chiếm trọn được sự tin yêu của người hâm mộ thể thao nước nhà, giống như cái cách mà các chàng trai U23 Việt Nam từng kiêu hãnh rời trận chung kết Giải U23 châu Á năm 2018 chỉ với tấm HCB trên ngực và tạo nên câu chuyện cổ tích “Thường Châu tuyết trắng”…

Nhưng, “lịch sử có thể đã chọn chúng tôi cho ngôi vô địch châu Á ở cấp CLB, còn ở đấu trường SEA Games, trước một đội tuyển Thái Lan chơi đầy gắn bó và tỉnh táo, chúng tôi vẫn chưa thể biến giấc mơ vô địch của bóng chuyền Việt Nam thành hiện thực. Nếu đội ngũ siết chặt thêm chút nữa thôi, nếu các mũi tấn công mạnh dạn dứt điểm ở những thời điểm quan trọng và cộng thêm chút may mắn nữa, bóng chuyền nữ Việt Nam đã có thể vượt lên để thắng, để phá vỡ thế thống trị của Thái Lan kéo dài suốt 15 kỳ đại hội thể thao đã qua (tính từ năm 1995 đến nay). Chưa bao giờ, chúng ta đến gần danh hiệu cao nhất đến thế. Tiếc quá…”, HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt ngậm ngùi nói như thế sau trận thua 1-3 trước đội tuyển Thái Lan.

Nước mắt đã nhòe trên gương mặt của đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy, người đã dẫn dắt các đồng đội của mình chiến đấu đến cùng, so kè từng đường bóng, bám đuổi từng điểm số với Thái Lan để tìm cách lật ngược tình thế trong cả 4 ván đấu căng thẳng và tốn nhiều tâm sức. Cho nên, thất bại ấy thật khó nuốt trôi khi họ đã vắt kiệt sức lực cho trận đấu cuối cùng, khi chảy trong huyết quản của từng tuyển thủ là khát vọng chiến thắng, là niềm tin viết tiếp một câu chuyện cổ tích giống như họ mới vừa tạo nên ở Cúp các CLB châu Á 2023 diễn ra ngay trên quê hương hồi tháng 4 vừa rồi (đánh bại CLB Diamond Food của Thái Lan ở chung kết).

Họ đã ngồi bên nhau thật lâu, lặng đi trên chuyến xe từ nhà thi đấu trở về khách sạn Citadines Apart vào lúc nửa đêm. Các cô gái bóng chuyền đón nhận hàng vạn lời cảm thông, động viên, khích lệ trên các trang báo, trên facebook, trên các trang mạng xã hội, từ bạn bè và từ chính người thân của mình trong yên ắng. Có lẽ đến khi bình tâm trở lại, ai nấy mới cảm nhận hết được sự yêu mến của mọi người dành cho mình, để có thêm động lực đi về phía trước.

“Bóng chuyền nữ Việt Nam đang có một thế hệ VĐV rất tiềm năng, nên sẽ được ngành thể dục thể thao và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chăm chút tốt hơn trước đây. Chúng tôi đã nỗ lực để giúp đội tuyển có rất nhiều đợt tập trung kể từ đầu năm, đồng thời tạo điều kiện để thầy trò họ dự nhiều giải đấu ở cả khu vực lẫn châu lục nhằm rèn luyện bản lĩnh và chuyên môn. Tôi tin các tuyển thủ vẫn giữ vững niềm tin và khát vọng, sẽ tiến bộ hơn nữa”, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết.

“Chiến binh” thầm lặng

Ở đội tuyển bóng chuyền nữ, đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy gánh vác trọng trách ghi điểm nhiều nhất, nhờ vào khả năng “dội bom” tầm cao, cả từ biên lẫn từ hàng sau. Những năm tháng được trải nghiệm ở các môi trường chuyên nghiệp tại Thái Lan, Nhật Bản ngày càng giúp Thanh Thúy trưởng thành, trách nhiệm hơn trong màu áo đội tuyển quốc gia. Bên cạnh Thúy là những mũi tấn công tiến bộ từng ngày như Vi Thị Như Quỳnh, Hoàng Thị Kiều Trinh, Lý Thị Luyến, Trần Tú Linh…

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy (3) là điểm tựa của bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy (3) là điểm tựa của bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhưng cũng có những “chiến binh” thầm lặng, xuất hiện vào thời điểm cần thiết nhất như một mảnh ghép tạo nên sự hoàn hảo cho đội tuyển, ví như đối chuyền Đoàn Thị Xuân. Cô gái xứ Thanh âm thầm khổ luyện, lặng lẽ cống hiến, không phàn nàn khi bị HLV thay ra, luôn sẵn sàng nhập cuộc với tinh thần hăng hái nhất để trở thành chỗ dựa vững chắc, giải vây cho các đồng đội khi lâm vào sự bế tắc bằng những cú đập xuyên thủng hàng chắn đối phương. Xuân từng dừng sự nghiệp đang rất thăng hoa của mình sau ngôi vô địch quốc gia cùng CLB Ngân hàng Công thương hồi năm 2017, thậm chí không tin rằng mình có thể trở lại với bóng chuyền vì căn bệnh Marfan quái ác khiến thị lực của cô giảm sút, có thể bị mù lòa bất cứ lúc nào nếu không được chữa trị đến cùng.

Nhưng tình yêu bóng chuyền, cộng với áp lực phải chiến đấu để mưu sinh, phụ giúp hai người anh trai của cô nuôi dưỡng cha già mắc bệnh hiểm nghèo, teo tóp cơ thể từng ngày và mất hẳn khả năng lao động, đã biến thành ý chí và nghị lực thúc giục Xuân vùng dậy. Cô xin HLV Nguyễn Tuấn Kiệt trở lại sân tập, chịu đựng những ánh mắt nghi ngại từ các đồng nghiệp cũ, ngày từng ngày phấn đấu chuyền, đập, chắn bóng cho đến khi không nhấc nổi đôi tay nữa mới thôi…

Kéo Xuân trở lại với bóng chuyền, đối với HLV Nguyễn Tuấn Kiệt còn là một câu chuyện khác, không dễ để giãi bày, nhưng cơ bản người trong giới bóng chuyền đều hiểu ông đã nỗ lực giúp đỡ cô học trò của mình không mất đi ngọn lửa đam mê bóng chuyền. “Ai lời ra tiếng vào cũng được, tôi còn nhìn thấy tiềm năng của Xuân, còn thấy cháu đánh bóng được và cần phải tồn tại giữa cuộc đời nhiều khó khăn này, thì tôi giúp thôi”, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt khẳng khái nói.

Và Đoàn Thị Xuân đã trả nghĩa cho thầy bằng sự tiến bộ không ngừng, trở lại đội tuyển quốc gia và trở thành một trong những đối chuyền hiệu quả bậc nhất làng bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay. Xuân là một phần lịch sử trong chiến thắng của đội tuyển ở Cúp các CLB nữ châu Á 2023, với khả năng chuyền 1 chắc chắn, dứt điểm khéo léo và chắn bóng hiệu quả. Trong hành trình đến trận chung kết giàu cảm xúc tại SEA Games 32, Xuân cũng chính là một phần không thể thiếu của tập thể các cô gái bóng chuyền Việt Nam kiên cường và máu lửa ấy…

Giành ngôi vô địch Cúp các CLB nữ châu Á, Sport Center 1 (tên gọi khác của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam) sẽ đại diện châu Á tham dự Cúp các CLB nữ thế giới năm 2023 tại Trung Quốc vào thời điểm cuối năm. Đây là danh hiệu vô địch châu lục đầu tiên trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam. Sau SEA Games 32, đội tuyển sẽ trở về tập trung tại Quảng Ninh, chuẩn bị cho một chuỗi giải đấu quan trọng tiếp theo: AVC Challenge 2023, Asiad 19, VTV Cup và FIVB Volleyball Women’s Club World Championship 2023…

Tin cùng chuyên mục