Những nữ ngư dân Venezuela

Dọc bờ biển Caribe rộng lớn của Venezuela, hình ảnh phụ nữ trong đội ngũ đánh cá ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Đánh cá ở vùng duyên hải Chuao, Venezuela
Đánh cá ở vùng duyên hải Chuao, Venezuela

Những người phụ nữ này có thể tham gia vào truyền thống câu cá của gia đình; hoặc trong một số trường hợp, họ bắt đầu sự nghiệp mới sau khi mất việc làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela.

Sau khi nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm lo con cái, phụ nữ ở các cộng đồng ven biển Choroni và Chuao sẽ đi đánh cá. Họ đánh bắt được hàng ngàn ký cá mỗi ngày. Công việc đòi hỏi thể chất này có thể mang về cho họ 8 USD sau 5 ca làm việc 12 giờ liên tục.

Nhiều phụ nữ bị mất việc khi đại dịch Covid-19 hoành hành. “Trên thực tế, có những phụ nữ trong 2 hội đồng ngư dân và có những phụ nữ là chủ thuyền”, Greyla Aguilera (48 tuổi) nói sau khi kết thúc ca làm việc. Các nữ chủ thuyền “có tính cách mạnh mẽ, hầu hết công nhân của họ là phụ nữ và đôi khi họ còn khắt khe hơn so với nam giới”. Aguilera và các đồng nghiệp của cô đã bắt được khoảng 4.000kg cá trong một loạt ca làm việc tháng 7, cô sẽ được trả 5 USD. Nhưng vì là phụ nữ, cô đã mang một ít cá về nhà, chủ thuyền sẽ khấu trừ chi phí vào tiền lương của cô.

Các nữ ngư dân làm việc theo nhóm 4 hoặc 5 thuyền. Họ bắt đầu bằng cách ném một tấm lưới lớn có mồi ở giữa, sau đó một thợ lặn của đội sẽ theo dõi liên tục dưới nước. Khi thợ lặn phát hiện ra đàn cá, cả đội ném một tấm lưới nhỏ hơn và bắt đầu đóng nó bằng cách kéo một đường giống như dây rút. Họ càng kéo, thuyền của họ càng đến gần nhau, điều này cho phép họ di chuyển cá từ lưới nhỏ hơn sang thuyền. Cá được bán cùng ngày tại một chợ gần đó. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhanh nhẹn và can đảm.

Tai nạn không xảy ra thường xuyên, nhưng khi chúng xảy ra, đôi khi hậu quả rất khôn lường. Carolina Chávez bắt đầu đánh cá từ năm 11 tuổi vì gia đình cô cần thức ăn. Cô trở thành ngư dân toàn thời gian sau vài năm. 2 năm trước, cô suýt mất bàn tay trái do bị vướng vào dây thừng khi cùng những người khác cố gắng nâng một tấm lưới nặng, thuyền của họ đụng nhau. Cuối cùng, khi cô rút được bàn tay của mình, sợi dây thừng đã cắt đứt một nửa ngón giữa của cô. Gia đình cô sẽ đói nếu cô ngừng làm việc. Không còn lựa chọn nào khác, cô trở lại đánh cá ngay sau đó.

Choroni và Chuao, nằm ở phía Tây thủ đô Caracas của Venezuela, là những cộng đồng bãi biển tuyệt đẹp. Chuao cũng là nơi có nguồn ca cao (nguyên liệu thô trong sôcôla) được đánh giá cao nhất ở Venezuela. Nhưng giống như các ngành công nghiệp khác, sôcôla đã suy giảm đáng kể do đại dịch và tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều người chuyển sang đánh bắt cá.

Aguilera có bằng luật và ẩm thực, cô dạy kèm trẻ nhỏ và dạy tiếng Anh cho những đứa lớn hơn. Cô cũng chụp ảnh lễ rửa tội, rước lễ đầu tiên và hiện đang thử nghiệm các công thức nấu ăn kết hợp ca cao, dừa, chanh và các loại cây trồng khác trong khu vực, với hy vọng mở một quán cà phê. Aguilera cho biết, các nữ ngư dân dựa vào nhau để chăm sóc con cái khi họ ra khơi. Luôn có người tình nguyện trông nom con của người khác để đảm bảo rằng không có phụ nữ nào bỏ lỡ ca đánh cá.

Tin cùng chuyên mục