“Số hộ cựu chiến binh (CCB) nghèo giảm nhanh, rất nhiều CCB và con em họ có công ăn việc làm thu nhập ổn định, cùng với đó là hàng ngàn tỷ đồng giá trị sản xuất được tạo ra mỗi năm”. Đây là những thành tích nổi bật của phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi lần 3 (2007 - 2011) được tổng kết tại Hà Nội ngày 4-10.
Vượt khó, làm giàu
Theo Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, trong 4 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ, rất nhiều CCB cả nước đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi và giúp nhau giảm nghèo.
Điển hình như CCB Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu Tân An, Long An, từ nỗi trăn trở khi nhiều đồng đội, đồng bào còn nghèo, thiếu việc làm, anh đã bàn với một số CCB góp vốn thành lập công ty chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu. Với số vốn ít ỏi và vài chục lao động ban đầu nhưng đến nay kim ngạch xuất khẩu của công ty đã đạt trên 30 triệu USD/năm, doanh thu 700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, trong đó có 60% là CCB và con em CCB, con liệt sĩ, với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng.
Còn CCB Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Tiến (Lào Cai), xúc động nhớ lại những năm tháng khó khăn khi mới rời quân ngũ. Nhưng với bản lĩnh người lính và quyết tâm vượt qua đói nghèo, năm 1999, anh Tuấn thành lập doanh nghiệp xây dựng tư nhân đầu tiên ở Lào Cai. Từng bước vừa làm vừa học hỏi, đến nay sau hơn 10 năm phát triển, doanh nghiệp của CCB Hoàng Văn Tuấn đã trở thành một công ty xây dựng hàng đầu ở Tây Bắc, với số vốn lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 800 lao động với thu nhập bình quân 5,8 triệu đồng/người/tháng.
Trọn nghĩa, vẹn tình
Trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo, có rất nhiều trang trại, hộ gia đình CCB sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế trong những năm qua. Nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, rất nhiều CCB đã biết vượt qua khó khăn, thách thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất trang trại, hộ gia đình. Hoạt động trang trại, kinh tế hộ gia đình của CCB không những tạo ra giá trị sản phẩm hàng ngàn tỷ đồng mà còn giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn có thu nhập ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
CCB Trần Quốc Toản ở xã Tóc Tiên, Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Đến nay, trang trại của CCB Trần Quốc Toản đã trồng và chăm sóc tới 220ha rừng, 10ha cây ăn quả, nuôi trên 3.500 con heo và 35.000 con gà, nuôi cá thu 200 tấn/năm và một nhà máy chế biến thức ăn gia súc 24 tấn/ngày, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em CCB. Không chỉ có vậy, anh Toản còn tích cực giúp đỡ các hội viên trong xã xây dựng chuồng trại, cấp con giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật để làm kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo.
CCB Phạm Ngọc Tuân, thương binh 3/4 cùng vợ là chị Đỗ Thị Thanh Hoa cũng là thương binh 1/4 ở xã Mỹ Hiệp Sơn, Hòn Đất (Kiên Giang), nhờ nuôi nhím và đà điểu mà gia đình anh chị đã thoát nghèo, có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Cuộc sống kinh tế khá giả nhưng anh Tuân - chị Hoa vẫn không quên những đồng đội. Anh chị đã bỏ nhiều tiền của, công sức cùng với đồng đội tìm kiếm và quy tập được 32 hài cốt liệt sĩ, ủng hộ gần 300 triệu đồng cùng địa phương xây dựng 13 nhà tình nghĩa.
Trong 4 năm qua, toàn thể hội viên Hội CCB Việt Nam đã giảm được 132.810 hộ nghèo, tỷ lệ hộ CCB nghèo giảm từ 7,67% năm 2007 xuống còn 3,67%. Đáng chú ý, tới nay có tới 20 tỉnh thành cơ bản không còn hộ CCB nghèo như: TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Hưng Yên… Không chỉ vậy, số hộ CCB khá và giàu trong cả nước đã tăng lên tới 52,67% và đã xóa được trên 21.710 nhà tranh tre, dột nát cho gia đình CCB. |
Khánh Nguyễn