
Để nhân loại ngày nay được sở hữu và sử dụng nhiều dòng xe hiện đại về công nghệ, an toàn khi sử dụng, đa dạng kiểu dáng mẫu mã, sang trọng, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu đưa ngành công nghiệp ô tô thế giới phát triển đến đỉnh cao nhất. Trong 50 năm qua (1950 – 2000), ngành công nghiệp ô tô thế giới đã tận dụng được hàng loạt những phát minh, chế tạo ra những chiếc ô tô thật sự gắn liền với cuộc sống, tiện nghi, tiết kiệm và đa năng.
(Kỳ 1)
Cột mốc 1948 - 1959
- Năm 1948. Panhard Dynavia (Pháp) là dòng xe ý tưởng mới kỳ diệu. Đây là mẫu xe đầu tiên với động cơ chỉ có ba ngựa-3CV, mà ngày nay chúng ta gọi là xe ý tưởng mới CX, Car Experimental. Xe Panhard Dynavia đã vượt quá 130km/giờ - một thành tích ghi nhận hệ số cản kỷ lục 0,28 cho xe. Cho đến 5 năm sau, chiếc Dyna Z lặp lại thành tích cũ, và kiểu dáng khí động học bắt đầu phục vụ cho kinh tế.

- Năm 1949. Hãng Michelin (Pháp) làm một cuộc cách mạng về vỏ lốp xe ‘X’. Đúng thời điểm này, hãng Michelin tung ra một phát minh mới thật sự đi vào lịch sử an toàn giao thông: sản xuất vỏ xe ‘X’ có bố đặt hướng tâm (radial tyre). Đây là một cuộc cách mạng kỹ thuật tác động đến cấu trúc vỏ xe, giúp nâng cao hiệu suất và tuổi thọ cho lốp xe. Tất cả các nhà sản xuất khác đều noi theo gương của Michelin. Traction Citroen (Pháp) là xe hơi đầu tiên được trang bị loại vỏ này.
Cũng trong năm 1949, Hãng Chrysler (Mỹ) ứng dụng thử thắng đĩa (nhưng cũng chính thời gian này hãng Jaguar (Anh) hoàn thiện thử nghiệm trên). Kiểu Imperial của hãng Chrysler là xe hơi đầu tiên được trang bị hàng loạt hệ thống “cycle bonded brakes”, tạm dịch là thắng khóa vòng quay, giống như trong nguyên tắc thắng đĩa được hãng Dunlop nghiên cứu cho xe Jaguar. Mặc dù có tính quyết định, sáng kiến này đã bị Chrysler bỏ vào năm 1953, đúng vào năm Jaguar thắng cuộc đua tại Mans với xe kiểu C lần đầu trang bị thắng đĩa.
- Năm 1950. Xe Aurelia khiến thế giới ngạc nhiên. Hãng Lancia (Ý) đã có bước nhảy vọt khi tung ra động cơ V6 đầu tiên được sản xuất hàng loạt cho xe hơi Aurelia B10. Chiếc xe kiểu dáng mộc mạc và kín đáo này mang lại sự bất ngờ cho người sử dụng với động cơ cầu kỳ: hộp số dính liền với cầu sau để phân phối đồng đều trọng lượng và hệ thống thắng lắp bên trong-không nằm ở mâm bánh.
- Năm 1953. Chiếc Chevrolet Corvette (Mỹ) với đức tính “tổng hợp” được sản xuất hàng loạt. Đây là loại xe đầu tiên ứng dụng một thân làm bằng nhựa cây epoxy gia cố với sợi thủy tinh. Ngày nay, vật liệu tổng hợp này vẫn còn được sử dụng để sản xuất những ô tô thể thao nhỏ.
- Năm 1954. Với đầy đủ các giải pháp kỹ thuật rất hiện đại, Mercedes 300 SL “Gullwing” (hai cửa mở lên giống như cánh bướm) sản xuất năm 1954 là xe hơi đầu tiên trang bị một hệ thống phun xăng cơ học (phun trực tiếp). Sáng kiến mới này do Bosch phát triển bảo đảm việc phân phối đầy đủ lượng xăng cho các xy-lanh. Lúc đầu chỉ dành riêng cho vài kiểu xe đặc biệt, sau đó, kể từ đầu những năm 1990 hệ thống phun xăng đã trở thành trang bị tiêu chuẩn.
- Năm 1955. Xe Citroen DS - cuộc cách mạng trên gối hơi. Toàn bộ chiếc xe đã được “cải tiến” đường nét, cấu trúc, sức bền trên đường trường, trang bị thắng đĩa (ở phía trước) và hệ thống nhún bằng khí ép và dầu (suspension hydropneumatique) mang lại sự êm ái như trên một “gối hơi”. Một sáng kiến phức tạp và tốn kém nhưng rất thuyết phục đối với người sử dụng ô tô. Cho đến 45 năm sau, Hãng Citroen tiếp tục hoàn thiện hệ thống này, các nhà sản xuất khác đã đi con đường riêng.
- Năm 1959. Hãng Volvo (Thụy Điển) không phát minh ra thắt lưng an toàn, nhưng đã có công khởi xướng thắt lưng “ba chấm” khi trang bị hàng loạt cho các xe PV554 và 122 Amazon từ năm 1959 - một ý tưởng hàng đầu trên thế giới được nhiều người theo sau đó.
Cũng trong thời gian này, xe Mini (Anh) đã định sản xuất hàng loạt với động cơ nằm ngang và trang bị một hộp số ở phần dưới máy. Chiếc xe hơi Mini là cải cách nhất trong tất cả các xe của Anh được sản xuất trong 50 năm qua. Kể từ đó, cấu trúc thiết kế khéo léo, giảm tối đa sự choán chỗ bên ngoài, khoảng trống sử dụng tối đa bên trong, đã mang lại sự gợi cảm cho nhiều thế hệ người đẹp ở thành thị.
(Theo L’auto-journal)