Góc khuất của một thế lực tài chính

Những “quả bom” từ các công ty đánh giá tín dụng

Hàng ngàn tỷ USD đến rồi đi
Những “quả bom” từ các công ty đánh giá tín dụng

Ngày 23-8, hãng AFP cho biết, ông Deven Sharma, Chủ tịch Công ty Standard & Poor’s (S&P) - một công ty xếp hạng tín nhiệm, sẽ từ chức chỉ vài tuần sau khi công ty này hạ mức tín nhiệm khiến Phố Wall chao đảo. Tầm ảnh hưởng của các công ty thẩm định tài chính đối với thị trường thế giới là rất đáng kể. Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi về sự tồn tại, mức độ tin cậy và tính minh bạch sau những đánh giá của các công ty xếp hạng tín dụng. Tờ Liberation của Pháp vừa qua đã có bài viết phần nào giải đáp các bí ẩn xung quanh 3 công ty thẩm định tư nhân hàng đầu, gồm: S&P, Moody’s và Fitch.

Trụ sở làm việc của ba công ty đánh giá tín dụng tại Mỹ.

Trụ sở làm việc của ba công ty đánh giá tín dụng tại Mỹ.

Hàng ngàn tỷ USD đến rồi đi

Ngày 5-8, S&P đã tung một “quả bom” vào thị trường tài chính thế giới khi hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA (mức điểm cao nhất) xuống còn AA+. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm về khả năng thanh toán nợ công. Không chỉ thế, S&P còn hạ mức triển vọng của Mỹ xuống mức tiêu cực, mở ra khả năng tiếp tục hạ điểm tín nhiệm của Mỹ trong tương lai. Điều này có nghĩa Mỹ không còn là con nợ an toàn đối với các chủ nợ và Mỹ sẽ không thể vay nợ (hoặc bán trái phiếu chính phủ) với mức lãi cực thấp nữa.

Quả bom tấn này đã khiến thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Tính từ ngày 26-7 đến 16-8, khoảng 6.800 tỷ USD đã bị cuốn bay khỏi thị trường chứng khoán thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, chính việc S&P hạ mức tín nhiệm đã góp phần không nhỏ vào đợt tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường chứng khoán. Sau sự kiện S&P khoảng 1 tuần, Fitch - một công ty xếp hạng tín dụng khác - đã giữ nguyên mức tín nhiệm AAA của Mỹ. Tuy nhiên, động thái của Fitch cũng không thể kéo niềm tin của nhà đầu tư quay lại với sàn giao dịch chứng khoán. Giờ đây, họ tin rằng, vàng mới là nơi trú chân an toàn khiến giá kim loại này liên tục lập kỷ lục trong những ngày qua, vượt mức 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch mở cửa tại thị trường Hồng Công (Trung Quốc) ngày 23-8.

Trước đó, ngày 27-7, S&P tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng dài hạn của Hy Lạp xuống 2 mức, từ CCC xuống CC và cảnh báo triển vọng tiêu cực của nền kinh tế có thể dẫn đến chỉ số xếp hạng tín nhiệm của nước này còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Moody’s cũng hạ mức xếp hạng tín dụng của Hy Lạp thêm 3 điểm, chỉ còn 2 điểm nữa sẽ tới mức vỡ nợ. Moody cũng từng hạ tới 4 bậc xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha. Đây thật sự là đòn chí mạng giáng xuống các nỗ lực giải quyết nợ công của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, tác động tiêu cực tới đồng tiền chung châu Âu, bởi sẽ đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ tăng cao, gây khó khăn cho các chính phủ khi đi vay. Hiệu ứng domino đã xảy ra tại châu Âu khi đã lan sang Ireland, Tây Ban Nha và Ý.

Chủ tịch S&P D.Sharma (trái) tuyên bố sẽ từ chức sau vụ hạ mức tín nhiệm Mỹ.

Chủ tịch S&P D.Sharma (trái) tuyên bố sẽ từ chức sau vụ hạ mức tín nhiệm Mỹ.

Câu chuyện của S&P cũng gợi nhớ về vụ vỡ bong bóng dot-com xảy ra năm 2000. Nguyên nhân xuất phát từ việc thổi phồng giá trị thực của các công ty công nghệ cao (còn gọi là các công ty dot-com hay IT) dưới sự phù phép của các công ty xếp hạng tín dụng. Bong bóng này bắt đầu được hình thành vào ngày 9-8-1995, thời điểm công ty IT của Mỹ Netscape Communications lần đầu tiên niêm yết cổ phiếu. Niềm tin vào tương lai của ngành công nghệ thông tin đã thôi thúc các nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu của các công ty công nghệ cao.

Lợi dụng việc này, rất nhiều công ty IT đã bắt tay với các công ty đánh giá tín dụng để đánh giá cao mức tín dụng hơn thực tế, qua đó giá cổ phiếu được tăng giá trị. Các chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones và tổng hợp NASDAQ luôn tạo ra những mốc mới trong suốt từ năm 1995 đến 2000. Rồi “bong bóng” đã vỡ khi chỉ số NASDAQ đạt mức cao lịch sử 5048,62 điểm. Thời gian còn lại trong năm 2000, chỉ số này giảm 50% và tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Vụ vỡ bong bóng này đã khiến thị trường chứng khoán từ năm 2000-2002 mất đến 5.000 tỷ USD.

“Ông nói gà, bà nói vịt”

* Với việc đưa ra những đánh giá về tín nhiệm tín dụng, 3 công ty xếp hạng nổi tiếng của Mỹ S&P, Moody’s và Fitch đã khiến nền kinh tế thế giới phải lao đao. Có ý kiến cho rằng cần phải giải tán những cơ quan đánh giá tín dụng này trước khi nó để lại những hậu quả to lớn hơn.

Tháng 7 năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đưa ra một báo cáo trình bày tỉ mỉ các hãng xếp hạng lớn đã tiếp tay cho sự sụp đổ của thị trường tín dụng, bằng cách thổi phồng chất lượng các cổ phiếu nguy hiểm đang phát hành hàng loạt ở Phố Wall, các công ty xếp hạng tín dụng gần như tác động để các nhà đầu tư dồn tiền cho những loại chứng khoán gần như vô giá trị và làm tắc nghẽn hệ thống tài chính.

Trước những hậu quả tai hại gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu, Heiner Flassbeck, Giám đốc Cơ quan Phụ trách thương mại và phát triển của LHQ cho rằng, cần giải tán các cơ quan xếp hạng tín dụng trước khi họ tiếp tục gây ra tác hại hoặc ít nhất cấm họ xếp hạng các nước. Nhiều ý kiến nhận xét, nếu họ có khả năng dự báo và đánh giá chính xác tình hình tài chính các quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung thì tại sao họ không dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi đó, ông Wolfgang Schauble, Bộ trưởng Tài chính Đức, cho rằng cần phá vỡ thế độc quyền của các tổ chức xếp hạng tín dụng. Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng kêu gọi phải thành lập một cơ quan xếp hạng tín dụng riêng của châu Âu để làm đối trọng với các cơ quan xếp hạng của Mỹ. Cơ quan xếp hạng tín dụng này sẽ được đặt dưới sự giám sát của Ngân hàng trung ương châu Âu.

Đi trước châu Âu một bước, Trung Quốc đã cho thành lập tổ chức xếp hạng tín dụng của nước này mang tên Dagong Global. Ngay sau khi Mỹ vừa thông qua quyết định nâng mức trần nợ công, thoát nguy cơ vỡ nợ, Dagong Global đã cắt giảm một bậc xếp hạng nợ công của Mỹ từ A+ xuống A với lý do tăng trưởng nợ quốc gia của Mỹ đã vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm phương hại tới khả năng trả nợ của nước này.

Tuy nhiên, các kết quả Dagong Global đưa ra rất khác so với Moody’s, S&P và Fitch, nên kiểu “ông nói bà gà nói vịt” cũng khiến niềm tin vào thị trường ngày càng lung lay. Năm ngoái, Dagong Global đánh giá Trung Quốc được xếp hạng cao hơn Mỹ, Anh, Nhật Bản, Pháp và hầu hết các nền kinh tế lớn, phản ánh niềm tin của Dagong Global rằng Trung Quốc sở hữu nền chính trị và kinh tế ổn định hơn tất cả của các quốc gia này. Còn S&P xếp Trung Quốc AA-, Fitch xếp A+, Moody’s xếp Aa3 (tương đương AA- của S&P), thấp hơn các nước nêu trên.

Đỗ Văn
(Tổng hợp từ Liberation, NYT, Wikipedia)

Tin cùng chuyên mục