Những rường cột trong cộng đồng dân cư

Bên cạnh đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, mỗi năm, Quân khu 7 mở lớp trang bị kiến thức về quốc phòng - an ninh cho hơn 14.000 lượt già làng, chức sắc tôn giáo, hình thành thế trận quốc phòng vững chắc trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo.

Nói đi đôi với làm

Quân khu 7 có địa bàn đứng chân ở 9 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều địa phương có đông cộng đồng đồng bào tôn giáo và dân tộc thiểu số. Do phần lớn cộng đồng dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo sinh sống ở khu vực biên giới, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên công tác hậu phương quân đội, xây dựng thế trận lòng dân phải có cách làm mang tính đặc thù. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã chọn mũi đột phá, xây dựng các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng thành lực lượng nòng cốt để gắn kết cộng đồng dân cư. Những già làng, chức sắc tôn giáo đã thực sự trở thành tấm gương sáng cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo học tập, làm theo.

Các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh

Các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo gặp gỡ,

trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh

Ở tuổi 72, ông Qua Đình Lang, dân tộc Chăm, người có uy tín của thôn Lạc Trị, xã Phí Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vẫn hăng say với công việc phục vụ cộng đồng. Hàng ngày, ông đến từng nhà vận động bà con trong thôn giữ gìn an ninh trật tự, động viên thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông không quên nhắc nhở mọi người cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền kích động, chia rẽ, kỳ thị dân tộc của các thế lực thù địch. “Là thành viên Hội đồng Chức sắc Bà La Môn giáo của tỉnh, lại được bộ đội thường xuyên bổ túc kiến thức quốc phòng, an ninh nên tôi được bà con tin tưởng. Tôi đã nhiều lần kịp thời hòa giải, không để xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng trong nội bộ chức sắc với tín đồ trong thôn cũng như cộng đồng Bà La Môn và các tôn giáo khác”, ông Qua Đình Lang tâm sự.

Ông K Tiếu (dân tộc K’Ho, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, lời nói thôi chưa đủ, mà phải làm thật. Mình phải giàu trước, đồng bào mới tin và làm theo. Ông K Tiếu cho biết: “Gia đình cải tạo vườn đồi trồng 3 mẫu cây cà phê, mỗi năm cho thu hoạch 13 tấn, bán được 520 triệu đồng, ngoài ra còn làm 5 sào ruộng cho thu hoạch mỗi năm trên 6 tấn lúa. Nhiều gia đình ở địa phương học theo mà đã thoát nghèo, khá giả dần”.

Hòa thượng Danh Lung, trụ trì chùa Candaransi (quận 3, TPHCM), chia sẻ: “Chúng tôi không quên những anh bộ đội giúp người dân thành phố trong những ngày thực hiện giãn cách chống đại dịch Covid-19. Nhiều phật tử là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nhận gạo, rau quả từ bộ đội. Nhờ vậy, khi nói về công tác giữ gìn an ninh, quốc phòng, các phật tử tin tưởng và làm theo”.

Thế trận quốc phòng vững chắc

Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7, cho biết, các vị già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng là chỗ dựa vững chắc, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và lực lượng vũ trang Quân khu 7 với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Nhờ đó, thế trận lòng dân trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo trên địa bàn quân khu được xây dựng vững chắc.

Để nâng cao uy tín của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng, Quân khu 7 thường xuyên mở lớp học về kiến thức quốc phòng, an ninh để các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo có kiến thức vững chắc khi tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Năm 2022, Quân khu 7 đã tổ chức 162 lớp học, với trên 14.000 lượt học viên tham gia. Mặc dù hầu hết học viên tuổi đã cao, địa bàn đi lại khó khăn, nhưng các lớp học luôn đông đủ, mọi người chăm chú tiếp thu, cố gắng nâng cao kiến thức. Ngoài ra, Quân

khu 7 còn thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt đại biểu già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo tiêu biểu để mọi người có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Thượng tá Đỗ Huy Hạnh, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị, Quân khu 7, thông tin, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, phương châm của công tác dân vận là nói đi đôi với làm. Bên cạnh nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho các già làng, chức sắc tôn giáo, Quân khu 7 chú trọng đầu tư xây dựng hàng trăm công trình phúc lợi phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo. Nhiều chương trình gắn kết thân thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo đã được thực hiện, mang lại lợi ích, hiệu quả thiết thực.

Cùng với đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo có uy tín cao và những công trình phúc lợi được xây dựng mới, Quân khu 7 đã xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, bền vững trong cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng tôn giáo.

Đến nay, Quân khu 7 đã xây dựng 357 căn nhà liền kề Điểm dân cư biên giới, tổng kinh phí xây dựng trên 100 tỷ đồng, trong đó có 148 căn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài nhà ở, đồng bào còn được cấp đất, điện, nước sạch, chăm sóc y tế và bố trí việc làm. Đối với địa bàn có đa dân tộc, tôn giáo, mỗi năm Quân khu 7 xây dựng trên 300 căn nhà, trong đó phần lớn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo. Năm 2022, Quân khu 7 xây dựng 57 công trình văn hóa, thể dục thể thao tặng các cơ sở tôn giáo và thôn, ấp đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục