Khác với nhiều quốc gia khác, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm cũng như xây dựng và phát triển của dân tộc Việt Nam gắn bó chặt chẽ với hình ảnh người phụ nữ. Chính vì thế, trong các tác phẩm văn học, hình ảnh người phụ nữ luôn được dành một vị trí trang trọng, từ những nhân vật của lịch sử đến cả những con người của thời đại.
Huyền thoại thời chiến tranh
Tác phẩm Võ Thị Sáu - Con người và huyền thoại của tác giả Nguyễn Đình Thống do NXB Tổng hợp TPHCM tái bản vào tháng 10-2012 tuy không mới nhưng vẫn nhận được sự chú ý của bạn đọc, bởi lẽ đây được xem là tác phẩm tương đối đầy đủ nhất về cuộc đời của người nữ anh hùng, từ thời ấu thơ đến khi trưởng thành, tham gia chiến đấu đến tận lúc hy sinh anh dũng giữa chốn lao tù thực dân. Võ Thị Sáu, một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đấu tranh chống ngoại xâm thế kỷ 20.
Tác phẩm tạo được ấn tượng không chỉ ở lượng thông tin lịch sử đầy đủ mà còn ở các chi tiết rất sinh động, đặc sắc về các cuộc chiến đấu, những lần thực hiện nhiệm vụ, khi bị giặc bắt, cuộc đấu tranh trong chốn lao tù, lúc hy sinh… Điểm đặc biệt là tác phẩm còn mô tả cả những huyền thoại về chị Sáu sau khi chị hy sinh. Đây là một nét nhấn của tác phẩm khi ngay ở phần mở đầu đã được dành riêng để kể lại câu chuyện về sự thăng trầm của 4 tấm bia trên mộ chị Sáu hiện nay. Hình ảnh huyền ảo đầy cao quý về chị sau sự hy sinh là một minh chứng cho thấy tình cảm của nhân dân đối với người nữ anh hùng. Người dân với lòng ngưỡng mộ, quý trọng người thiếu nữ đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc đã thần thánh hóa hình ảnh của chị trong đời sống tâm linh để chị có thể sống mãi trong lòng mọi người.
Nếu chị Sáu là hình ảnh tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam trong cả hai cuộc chiến vừa qua, thì ở tác phẩm mới nhất của tác giả Mã Thiện Đồng, bạn đọc lại có dịp gặp gỡ một hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ thời chiến nhưng ở một vị trí cụ thể, ở một đơn vị đặc trưng: Biệt động Sài Gòn.
Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình là Bài ca hy vọng, nhân vật chính, người nữ chiến sĩ biệt động thành năm xưa đã thể hiện rõ phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn cả về tinh thần lẫn thể xác để vươn tới hy vọng ngày chiến thắng.
Bài ca hy vọng cũng do NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản nhân dịp ngày phụ nữ VN 20-10 năm nay. Tác phẩm viết về nữ chiến sĩ biệt động thành Nguyễn Thị Mai như con thoi len lỏi khắp thành phố Sài Gòn, vượt qua mưa bom bão đạn vận chuyển vũ khí cho cách mạng, giết giặc lập công, diệt trừ những tên chiêu hồi chỉ điểm. Hai lần bị địch bắt, chị đã trải qua bao đòn roi tra tấn, đánh đập của kẻ thù: hết tra điện lại đến tra lươn, “đi tàu bay”, đâm cổ chai bia vào cửa mình…
Đau đớn về thể xác đến mức chết đi sống lại, tưởng như không thể có con cái được nữa thế mà chị vẫn hát vang Bài ca hy vọng, vẫn tiếp tục sống và chiến đấu. Chính ý chí quật cường của người nữ chiến sĩ cách mạng ấy đã làm kẻ thù phải kính nể và sợ hãi.
Người phụ nữ của thời bình
Cũng dịp này có một tác phẩm đặc biệt, nhận được sự chú ý của bạn đọc TPHCM là cuốn hồi ký Phạm Phương Thảo - Đi qua thời gian. Công ty CP PHS TPHCM (Fahasa) đã ghi nhận đây là cuốn hồi ký bán chạy nhất tại các nhà sách của đơn vị trong những tuần vừa qua.
Khác với phần lớn tác phẩm về các nhân vật lịch sử khác, nhân vật chính của hồi ký Phạm Phương Thảo - Đi qua thời gian là một người phụ nữ của thời đại, bà nguyên là Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM. Hơn thế nữa, cuộc đời và sự nghiệp của bà gắn liền với quá trình phát triển của TPHCM ngay từ những năm đầu sau giải phóng đến nay. Hầu hết các chức vụ bà đảm đương đều ở TPHCM, từ phụ trách Thành đoàn, rồi Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, đến Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội… Có thể nói, bà Phạm Phương Thảo là một người phụ nữ có đóng góp không nhỏ đến lịch sử phát triển của TPHCM hiện nay.
Mặc dù được xếp vào dòng sách hồi ký nhưng như chính tác giả tự bạch, tác phẩm không phải hồi ký hay tự truyện mà chỉ là những nét chấm phá, những lát cắt cuộc đời của tác giả. Thông qua đó phản ảnh những giai đoạn lịch sử phát triển của TP mà tác giả đã trải qua.
Sách gồm 4 phần gồm: Phần 1: Từ quê hương; Phần 2: Người đại biểu của dân; Phần 3: Dân hỏi - Đại biểu của dân trả lời; Phần 4: Kết nối với lòng dân. Có một điểm khá đặc biệt là tác giả đã kể lại nhiều chi tiết đầy lý thú trong công việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến của người dân.
Tường Vy