Thi đua yêu nước

Những tấm gương yêu nước

Những tấm gương yêu nước

Những điển hình giao lưu trên sân khấu không xa lạ với người dân TPHCM nhưng những việc họ làm, tấm lòng của họ đối với xã hội, với người dân TP vẫn khiến câu chuyện về họ luôn có sức thu hút đặc biệt. Đó là cảm nhận chung của những đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước TPHCM năm 2008 và phát động phong trào thi đua năm 2009, được tổ chức sáng 14-3…

1. Có lần, một học sinh nói với tôi: “Thầy ơi, trong trường mình có bạn nào nghèo, không đủ quần áo mặc, thầy chỉ cho em để em về nói ông chủ em gửi cho”. Tôi ngạc nhiên, không hiểu sao học trò của mình còn nhỏ vậy mà đã có “ông chủ”. Hỏi ra mới biết gia đình em cũng rất nghèo, mẹ em làm nghề giúp việc nhà cho một ông chủ. Ông chủ ấy có rất nhiều quần áo và sau khi học xong bài học giáo dục công dân của tôi, em muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ những bạn khó hơn mình... Lần khác, sau giờ học, một em khác thổ lộ với tôi là em lỡ ăn cắp máy tính của bạn. Em nhờ tôi trả lại cho bạn và năn nỉ tôi đừng nói tên em… Về trường dạy hơn 1 năm, đến nay đã có 6 học sinh “bí mật” đến nhờ tôi trả lại những món đồ lỡ ăn cắp.

Câu chuyện của thầy giáo trẻ Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 TPHCM, khiến cả hội trường chú ý. Mọi người càng cảm động hơn khi được biết, bản thân Tuấn Anh cũng xuất thân từ một gia đình nghèo: cha bán vé số, mẹ bán nước giải khát dạo. Thu nhập của một giáo viên dạy giáo dục công dân không nhiều nhưng hàng tháng, Tuấn Anh vẫn trích phân nửa tiền lương của mình đi thực tế, tìm kiếm tài liệu, chế tạo học cụ để làm sinh động bài giảng của mình. Anh còn dẫn học trò đi thăm trại trẻ mồ côi, mời những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống về trường giao lưu với học trò.

Sau những bài học làm người của thầy Tuấn Anh, nhiều em đã bật khóc. Có em đã gửi thư bày tỏ: “Sau khi học, em thấy cuộc sống thật có ý nghĩa. Xin cảm ơn thầy!”.

Giao lưu với các điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giao lưu với các điển hình trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: VIỆT DŨNG

2. Tốt nghiệp đại học ở Mỹ, lấy bằng tiến sĩ ở Pháp, có công ăn việc làm ổn định nhưng TS. Nguyễn Thành Thái vẫn quyết tâm về Việt Nam để làm việc, góp phần xây dựng quê hương. Năm 2003, ông thành lập Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, trở thành tổng giám đốc và nhận thực hiện công trình Phú Mỹ - chiếc cầu lớn nhất, cao nhất tại TPHCM.

Đặc biệt, trong năm 2008, thời điểm cực kỳ khó khăn khiến hầu hết công trình xây dựng đều phải ngưng trệ thì công trình cầu Phú Mỹ lại thi công vượt tiến độ. Dự kiến ngày 2-9-2009, cầu được khánh thành. TS.Nguyễn Thành Thái tâm sự: “Ngay từ khi còn ở nước ngoài và cho đến bây giờ, tâm nguyện lớn nhất của tôi là làm sao cho đất nước mình không bị coi rẻ mà ngược lại phải được người ta tôn trọng, phải có những công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tới đây, được sự chấp thuận của UBND TP, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng cầu Sài Gòn 2, đường xe điện nối dài từ Thủ Thiêm đến Bến xe miền Tây, cầu Thủ Thiêm 3… Ngoài ra, tôi còn muốn thiết kế một công trình mang tính chất biểu tượng cho TPHCM…”.

3.
“Không được đào tạo bài bản, trình độ tiếng Anh chỉ dừng lại ở mỗi một từ “OK” nên có lần đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, mỗi khi người phục vụ đến hỏi thức ăn thế nào, bà lại bảo “OK”. Hậu quả là người ta cứ dọn đồ ăn lên, hết lần này tới lần khác”. Câu chuyện vui về bà Ba Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kể tại hội trường làm nhiều người thích thú.

Bao nhiêu năm gắn bó với nông dân, từ chỗ chỉ là một người đàn bà nghèo đi thu mua từng chục trứng lẻ cho tới khi trở thành giám đốc một doanh nghiệp tầm cỡ với hệ thống xử lý trứng sạch hiện đại nhất cả nước, người ta có cảm giác hành trang duy nhất của người phụ nữ ấy là tấm lòng với người nông dân. Bà tâm sự: “Xuất thân từ nông dân nghèo, nhìn sản phẩm của nông dân làm ra mà bị xã hội ngó lơ, tôi đau lòng lắm. Có được chút tài sản trong tay, tôi luôn nghĩ mình phải góp chút công sức nào đó để nâng cao giá trị cho nông sản Việt”.

Không dừng lại ở những gì đã làm được, Công ty Ba Huân đang có kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý trứng gia cầm hiện đại hơn, với công suất xử lý 120.000 trứng/giờ. Hiện tại, công ty đã hợp tác với Sở LĐTB-XH TPHCM và lực lượng TNXP TP để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên, học viên cai nghiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Dự án chăn nuôi gà tại Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 4 đã được triển khai với 6 trại gà giống và gà đẻ, quy mô 95.000 con/năm. Cuối năm 2008, trường đã xuất bán được lứa gà hậu bị đầu tiên với lợi nhuận gần 300 triệu đồng. 4 trại gà đẻ đến nay đã cung cấp hơn 600.000 trứng sạch mỗi ngày cho TP.

4. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2 TPHCM, ông Trần Minh Chánh quyết tâm thoát nghèo bằng con đường trồng nấm bằng rơm rạ. Đến năm 1990, ông đã tự nghiên cứu và trồng được nấm rơm, nấm mèo, nấm bào ngư, nấm linh chi. Hiện gia đình ông đã có 2 cơ sở sản xuất nấm, với diện tích trên 6.000m2. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tìm cách giúp đỡ những hộ nghèo khác vươn lên lập nghiệp bằng cách tổ chức hội thảo phổ biến kinh nghiệm trồng nấm, cung cấp tài liệu, phôi giống không tính lãi, giới thiệu nơi tiêu thụ… Với cách làm đó, đến nay, ông đã giải quyết việc làm cho 150 lao động, giúp trên 100 gia đình thoát nghèo…

Phát biểu tại buổi tuyên dương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan xúc động: Những điển hình được giao lưu, tuyên dương hôm nay tuy hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau nhưng đều có điểm chung là có tấm lòng với nhân dân, với Tổ quốc. Một khi trong nội bộ của từng cơ quan, từng đơn vị vẫn còn có những người chỉ biết thu vén cho bản thân, những cá nhân còn suy nghĩ cơ hội, ích kỷ thì những tấm gương mà chúng ta được biết đến ngày hôm nay cần phải được tôn vinh, tỏa sáng hơn nữa để lối sống, lý tưởng, cách nghĩ, cách làm của họ trở thành những tấm gương sáng cho toàn xã hội.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục