Những thực phẩm và món ăn có ích cho người bệnh trĩ

Những thực phẩm và món ăn có ích cho người bệnh trĩ

Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do sự phình dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Khi tĩnh mạch hậu môn hoạt động kém, máu đi đến đây sẽ không lưu thông được, ứ đọng làm cho tĩnh mạch bị dãn, phình ra.

Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại.

- Trĩ nội là khi các búi trĩ chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa.

- Trĩ ngoại là khi các búi trĩ sa hẳn ra ngoài, mạch bị tắc gây phù nề và nghẹt không tụt trở lại trong lòng hậu môn được nữa, kèm theo triệu chứng nứt hậu môn và rất đau mỗi khi đại tiện.

Trĩ ngoại gây trở ngại nhiều tới cuôc sống của người bệnh, họ không dám ăn uống vì sợ phải đại tiện nhiều lần. Một số trường hợp do chảy máu nhiều sẽ dẫn tới thiếu máu nặng.

Triệu chứng:

Có 2 triệu chứng chính:

- Chảy máu và sa búi trĩ.

Ngoài 2 triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn.

Lưu ý, cần phân biệt bệnh trĩ với một số trường hợp có chảy máu hậu môn khác như sau:

- Bệnh ung thư hậu môn, trực tràng, cũng có triệu chứng chảy máu giống như bệnh trĩ, nếu bệnh nhân cứ cho là mình bị bệnh trĩ, không chịu đi khám và điều trị, đến khi ung thư phát triển to thì không còn khả năng điều trị được.

- Trường hợp polype trực tràng cũng cho dấu hiệu chảy máu, đây là bệnh cần can thiệp cắt bỏ thì mới hết bệnh chứ không thể điều trị bằng thuốc.

- Khi bị trĩ ngoại, búi trĩ sa ra ngoài, thường lầm với sa trực tràng (loài dom), cách điều trị của hai loại bệnh này lại hoàn toàn khác nhau.

Nguyên nhân:

Bệnh trĩ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do táo bón lâu ngày, bệnh lỵ, nóng trong người do ăn uống các chất cay nóng (tiêu, ớt, cà ri, cà phê, rượu bia...), tăng áp lực ổ bụng do lao động, tư thế, sinh hoạt…

- Bệnh lỵ: Khi bị bệnh lỵ, bệnh nhân đại tiện nhiều lần trong ngày, và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.

- Tăng áp lực ổ bụng: Những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, những bệnh nhân dãn phế quản, phải ho nhiều, những người làm lao động nặng như khuân vác... làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.

- Tư thế: Bệnh trĩ thường gặp ở những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại, như thư ký bàn giấy, lái xe, nhân viên bán hàng, thợ may…

Ngoài ra, khi bị u bướu hậu môn trực tràng và vùng chung quanh có thể chèn ép và cản trở đường về  tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ…

Phòng ngừa bệnh trĩ

- Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày. Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu. Hạn chế những công việc nặng nhọc, tránh động tác mạnh làm cho áp lực trong xoang bụng tăng lên đột ngột. Sử dụng giấy vệ sinh mềm, sạch, hoặc dùng các loại xà phòng ít tính acid để làm sạch vùng hậu môn. Vận động thể lực vừa sức, nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ, đi xe đạp…

- Ở phụ nữ đang mang thai, trọng lượng và sức nặng của bào thai tạo ra một áp suất đè lên các tế bào và mạch máu tại hậu môn, dễ tạo nên trĩ. Do đó, nên nằm nghiêng về bên trái nhiều (cứ mỗi 4 giờ, nên nằm nghiêng khoảng 20 phút). Tư thế này làm giảm bớt sức ép của bào thai lên tĩnh mạch hậu môn.

Điều chỉnh thói quen ăn uống:

- Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà đậm, thuốc lá... Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu, cà ri, gừng, riềng...

- Hạn chế ăn muối, vì muối có khuynh hướng giữ nước lại trong cơ thể, làm các tế bào và mạch máu trương căng ra, làm nặng hơn triệu chứng trĩ.

- Ăn nhiều chất xơ từ các loại rau quả để chống táo bón. Nên ăn thức ăn dạng luộc chín, nấu canh, hấp, tránh dạng chiên xào nhiều dầu mỡ khó tiêu, hoặc dạng nướng…

Những thực phẩm có ích cho người bị bệnh trĩ:

Rau diếp cá, rau lang, rau mồng tơi, rau đay, rau dền, đậu bắp, mướp hương, cà tím, khoai mỡ, bí đỏ, củ sen, rau đắng, khổ qua, rau nhút, rau má, cải bó xôi, cà chua, đậu cô ve, bông atisô, bơ, chuối, thanh long, đu đủ, cam, quýt, táo tây, dâu tây, kiwi, nho…

Sau đây là một vài món ăn có ích cho người bị táo bón và người bị bệnh trĩ

Canh rau mồng tơi, mướp hương, cua đồng:

- Nguyên liệu: Cua đồng 500g, mồng tơi 200g, mướp hương 500g, gia vị các loại.

- Cách làm: Cua đồng rửa sạch, để ráo, giã nhỏ, cho một chút muối vào cua, thêm nước lã rối dùng tấm vải lược vắt lấy nước, bỏ bã để làm rêu cua. Mồng tơi rửa sạch, cắt nhỏ, mướp hương gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng xéo. Nấu sôi nước cua, nêm gia vị (nước mắm, muối, mắm tôm hoặc mắm ruốc) rồi cho mồng tơi và rau đay vào, nấu rau chín thì nêm bột ngọt. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Món ăn này còn có ích cho những người bị té ngã gãy xương, đau lưng, đau các khớp, vận động khó khăn.

Những người bị sỏi đường tiết niệu thì không nên dùng.

Cháo a giao, củ sen:

- Nguyên liệu: A giao 20g, củ sen 80g, ý dĩ 60g, táo đỏ 4 trái, gạo tẻ 60g.

- Cách làm: Gạo vo sạch, thêm lượng nước vừa đủ, cùng các vị thuốc trên đã rửa sạch, nấu cháo nhừ. Dùng ăn vào lúc đói bụng.

Nước dưa hấu-chuối-thanh long:

- Nguyên liệu: Dưa hấu 100g, chuối chín 1 trái, thanh long 1/2 trái.

- Cách làm: Cho 3 thứ vào máy xay nhuyễn với ít nước. Dùng uống trước bữa ăn 1-2 giờ.

Nước chuối-dâu tây-cam vắt:

- Nguyên liệu: Chuối chín 1 trái, dâu tây 100g, nước cam vắt 50ml.

- Cách làm: Xay uống vào lúc khát nước.

Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TPHCM

Tin cùng chuyên mục