Những tộc người tín ngưỡng thần dê

Những tộc người tín ngưỡng thần dê

Sâu trong những cánh rừng ở miền Tây Quảng Bình, người Ma Coong dưới đèo Phu La Nhích, người A Rem dưới bóng núi Kẻ Bàng, người Khùa, Mày dưới rặng Giăng Màn hùng vĩ đều xem dê như vị thần khả kính. Người Ma Coong xem dê núi - sơn dương có mãnh lực hộ mệnh tình yêu. Người A Rem tôn kính dê về phương thuốc thảo dã. Người anh em Khùa, Mày, Mã Liềng xem dê như vị thần đưa linh hồn họ lên núi Giăng Màn khi qua đời.

Những tộc người tín ngưỡng thần dê ảnh 1

1. Người Ma Coong xem dê là món ăn ưa thích của họ mỗi khi mùa đông xuống dưới đèo chân Phu La Nhích ở vùng Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Nhưng với họ, dê còn là nghĩa tinh thần của tình yêu đôi lứa. Người con trai Ma Coong khi yêu con gái Ma Coong thường dắt đến nhà gái một con dê cái nhỏ. Cô gái sẽ nuôi con dê đó trong đàn gia súc của gia đình. Khi dê đẻ ra lứa con đầu tiên, cô gái sẽ chọn 2 con trong lứa trả lại cho chàng trai, lễ cầu hôn xem như được chấp nhận. Già làng Đinh Mì sống sâu trong bản Cồn Roàng nói: “Đó là văn hóa của dân bản mình được truyền lại nên ở đây cứ thế”. Với người Ma Coong, dê còn là biểu tượng của lễ hội đập trống vào rằm tháng Giêng mỗi năm. Lễ hội đó nhiều người gọi tên là lễ hội… ngoại tình.

Dịp đó, hàng chục bản làng của người Ma Coong của Thượng Trạch, rồi Ma Coong ở phía Lào đều bước sang đất Thượng Trạch hòa nhịp đập trống. Trống làm từ da con bò đẹp nhất. Tang trống từ cây chi cúp rừng đã mấy trăm năm. Họ uống rượu hiêng, ăn cơm nếp của bản Cồn Roàng do già làng và trưởng bản mời. Cả ngàn người nam nữ Ma Coong cùng cật lực đánh trống. Vừa đánh vừa hô: “Roa lữ Giàng ơi. Roa lữ, roa lữ Giàng ơi” - nghĩa là: “Sướng quá trời ơi. Sướng quá, sướng quá trời ơi”. Họ mải miết đánh, rạo rực đánh, đánh lúc mặt trống vỡ họ lại hô lên một tiếng đồng thanh rất to: “Roa lữ, roa lữ”. Xong từng cặp kéo nhau xuống suối, vào rừng và… “yêu”. Trai gái được một đêm. Đàn ông, đàn bà cũng được một đêm đến với nhau, không ràng buộc, ngoài chồng ngoài vợ, ngoài gia đình. Đó là lễ tục riêng của người Ma Coong giữa núi rừng. Nhưng trước khi đến với đêm ngoại tình, họ theo các đàn dê vào núi, tìm một loại lá mà dê thường ăn bữa tháng Giêng để béo tốt. Thứ lá đó, đàn bà Ma Coong ăn vào sẽ không có thai ngoài ý muốn. Vì thế người Ma Coong mê tín với loài dê, lá ấy có tên lá be xai, tiếng của người Ma Coong xưa có nghĩa “kín đáo”.

Núi Giăng Màn, chốn thần tiên của các linh hồn của anh em Khùa, Mày, Mã Liềng.

2. Sâu trong rặng núi của rừng mưa Kẻ Bàng xã Tân Trạch (Bố Trạch), người A Rem xem dê núi là vị thần của cứu rỗi họ thoát cảnh bệnh tật. Già làng Đinh Rầu kể: Người A Rem ngày xưa nhiều lắm, đông lắm. Hàng ngàn, hàng vạn người chứ không phải như ngày nay chỉ mấy trăm người. Nhưng do thiếu muối mà chết dần chết mòn. Khi đó, các thợ săn kinh nghiệm nhất được cử đi tìm muối ăn. Đi mãi trong rừng mà không tìm được chất mặn. May mắn, họ tình cờ gặp đàn dê núi đang gặm cỏ bỗng lục tục bỏ đi. Chúng bỏ đi không phải vì đánh hơi ra thợ săn mà đi vào vách núi khuất sau một khu rừng rậm chưa ai biết đến. Ở đó cả đàn gặm những mảnh đá vỡ ra và nhai. Người A Rem đến thử, đàn sơn dương không lẩn tránh, vẫn tự nhiên gặm vào vách đá. Thợ săn liền nếm vào, thấy vị mặn, thích lắm. Họ về báo cả bản cùng ra và nếm cái thứ mặn ở vỉa đá bí ẩn ấy. Ai cũng thích. Đặt tên vị mặn đó là xa rai, người miền xuôi gọi là muối. Từ ngày có được vị xa rai mà bệnh tật đỡ đi, đúng là phương thuốc kỳ diệu.

Một lần khác, từ xưa lắm, người A Rem đi kiếm thức ăn trên các thung lũng cỏ. Trời nổi dông, sấm sét đánh xuống, đồng cỏ bốc cháy. Khi lửa hết đi, đàn sơn dương bỗng nhiên xuất hiện. Chúng liếm muội than của cỏ bị cháy một cách thích thú. Phụ nữ A Rem thấy lạ, nếm thử, một vị mặn toát ra từ đó. Trong muội than của cây cỏ hoang dã có muối. Trí khôn của anh em A Rem từ xa xưa như thế có hai cách tìm muối từ rừng thẳm rất tình cờ. “Thế nên người A Rem tôn dê núi là thần. Không săn bắn dê núi, không xúc phạm dê núi”, già làng Đinh Rầu cho biết.

3. Dưới hệ núi Giăng Màn hùng vĩ phía cao nguyên Minh Hóa, Tuyên Hóa, người Khùa, Mày, Mã Liềng xem dê là sợi dây tinh thần để đưa linh hồn người đã khuất đến với các vị thần cổ xưa ngự trị ở đỉnh núi Giăng Màn thần thoại. Trong gia tài tinh thần của ba tộc người này, trên hệ núi hùng vĩ ở vùng biên viễn giáp Lào ấy có các cổ thần Tồông Vốôc, Ku Lôông, Y Răng, Y Hơn hợp lại thành tổ thần Giang Bra cai quản linh hồn của người đã khuất ở núi Giăng Màn. Nôm na, đó là thế giới thần tiên.

Đến lễ đập trống, người Ma Coong theo dê đi hái lá be xai.

Hồ Khiên, một chiến binh người Mày ở sâu trong vùng Lòm xã Trọng Hóa tin như thế: “Nhưng để gặp được các vị thần ở đỉnh cao Giăng Màn, ngoài việc sống tốt, có ích với quê hương, bảo bọc, che chở cho dân bản thì phải có sợi dây tinh thần mới lên với các vị thần. Đó là loài dê được thuần hóa, nuôi giữ ở trên các triền đồi”, ông nói. Mỗi bản làng của người Khùa hoặc Mày có người mất, họ phải tế tổ thần Giang Bra con dê già nhất. Tiếng kêu của nó sẽ chuyển linh hồn người đã mất lên được chốn “thần tiên” mà họ tin đang có ở nơi bồng bềnh mây trắng Giăng Màn. Nhưng với người Mã Liềng, khi bản làng có người khuất đi, họ không giết dê nuôi mà chỉ cầu linh vật thần dê ở cột nhà ma của vị thầy mo uy tín nhất vùng. Trưởng bản đẽo một con thú bằng gỗ, to hơn nắm tay đặt vào nơi thờ ma của nhà thầy mo, họ nói đó là thần dê, linh hồn thần dê được thổi vào đó và giữ tại căn nhà của thầy mo, bỏ trên trang thờ trịnh trọng. Lúc nào bản có người qua đời, xét về các yếu tố đóng góp, công tích, thầy mo sẽ đưa linh vật hình dê ra cúng để đưa linh hồn lên trời ở phía Giăng Màn. Hồ Viên, người Mã Liềng tiết lộ: “Với người xấu trong bản, không thể có lễ cúng đưa linh hồn về trời”. Tiễn các linh hồn lên với tổ thần Giang Bra dưới sự dẫn dắt của thần dê còn có tiếng khèn Aman da diết. Hồ Khiên nói: “Đó là tiếng khèn để thần dê thăng hoa, nhưng cũng là tiếng khèn ghi nhớ công tích của người đã khuất cho con cháu nhớ mãi qua câu chuyện kể bên bếp lửa về ông bà, tổ tiên các đời”.

Nói cho cùng, triết lý xem dê là thần trong quan niệm đó thực chất là thương yêu bản quán, cương vực lãnh thổ cho sức bền dai sinh tồn. Một triết lý sống rất đời và rất người, ẩn sâu dưới các vách núi bí ẩn của rừng rậm thảo dã.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục