Những trăn trở của người khuyết tật

TPHCM có hơn 56.600 người khuyết tật (NKT). Thành phố đã có nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học tập, vay vốn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, nhiều NKT vẫn còn gặp khó khăn khi kiếm việc làm và bị phân biệt đối xử khi tham gia giao thông.

Nhiều trở ngại

Nhiều NKT đến doanh nghiệp (DN) kiếm việc, họ đáp ứng các yêu cầu về trình độ, kỹ năng giải quyết công việc nhưng thường bị từ chối. Chị Trần Ngọc Mỹ (ngụ quận 10) kể, đến các nơi kiếm việc, chị thường nhận được câu trả lời là gửi hồ sơ lại, đợi DN kiếm thêm một số trường hợp nữa để đủ số lượng nhân sự là NKT thì DN sẽ liên lạc lại, nhận vào làm một thể.

Vì, theo quy định, DN phải có tỷ lệ 30% người lao động là NKT thì mới được hưởng các chế độ ưu đãi kèm theo. Lời hẹn là vậy, nhưng gần như chị Mỹ không nhận được sự liên lạc lại. Rất chật vật, đi nhiều nơi, chị Mỹ mới kiếm được việc làm, với tiền lương không cao bằng người bình thường làm cùng vị trí.

Anh Nguyễn Hoàng Trung, Dự án “Khởi nghiệp cùng NKT Cửa hàng nối nhịp yêu thương” (quận Phú Nhuận), phản ánh NKT còn rất khó tiếp cận các chính sách dành cho mình. Các kênh thông tin về việc làm đối với NKT, ở đâu, như thế nào, tình hình việc làm ra sao… đa số NKT cũng không biết.

Trường hợp muốn tự tạo việc làm, tự khởi nghiệp, NKT cần thuê mặt bằng nhưng cũng không rõ có tỷ lệ bao nhiêu phần trăm mặt bằng của TPHCM được ưu tiên dành cho NKT thuê? 

Những trăn trở của người khuyết tật ảnh 1 Người khuyết tật trăn trở về khả năng kiếm việc và sự phân biệt trong cuộc sống
Anh Lê Thanh Hùng, NKT, sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), trăn trở: “Làm thế nào để sinh viên khuyết tật ra trường kiếm được việc làm? Họ hầu như bị phân biệt đối xử, nên dù được đào tạo bài bản, vẫn khó kiếm việc làm.”

Anh Hùng băn khoăn, thành phố có hơn 56.000 NKT, nhưng số người có việc làm thì chưa đến 1/5, vậy hướng giải quyết việc làm cho NKT của TPHCM ra sao? Theo chị Trần Ngọc Mỹ, thay vì phải nhận 30% nhân sự là NKT mới được ưu đãi - một tỷ lệ rất cao mà hiếm DN đáp ứng được - thì tại sao không quy định cứ nhận NKT vào làm việc là DN được ưu đãi?

Theo chị Mỹ, mức độ ưu đãi với DN cần linh hoạt tùy theo số lượng tạo công ăn việc làm cho NKT, dù 1 người cũng quý và càng nhiều người, càng được ưu đãi nhiều. 

Ngoài khó khăn nhất về công ăn việc làm, những NKT còn gặp phải nhiều trở ngại trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ quận 4) cho hay các bệnh viện rất đông, NKT đi lại khó khăn, nhưng không có chính sách để được khám chữa bệnh thuận lợi.

Chị Lê Thị Diễm (ngụ huyện Củ Chi) chia sẻ, khi đi xe buýt, chị có cảm giác rất mặc cảm, bởi một số xe buýt không ân cần với NKT.

Ông Trần Anh Tuấn (ngụ quận 4) kể: “Tôi được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí. Khi đi xe buýt, tôi phải nhìn “thái độ” của nhân viên xe buýt mà ứng xử cho phù hợp. Nếu nhân viên dễ tính thì tôi đưa thẻ được miễn phí xe buýt; nếu nhân viên quạu, thì tôi… móc tiền túi mua vé xe”.

Nhiều NKT khác cũng phản ánh, có khi xe buýt dừng đậu không đúng trạm, dừng giữa đường, NKT đi ra được đến nơi thì xe buýt… chạy mất; nhiều tuyến đường ở TPHCM cấm xe 3 bánh, vậy xe 3 bánh của NKT có được đi vô không; điều khiển xe gắn máy cần có bằng lái xe, nhưng NKT đi thi bằng lái xe lại bị từ chối, không được dự thi, vậy NKT có được quyền lái xe không?

Chú trọng giải quyết việc làm

Trước các bức xúc về sự phục vụ của nhân viên xe buýt chưa chu đáo với NKT, ông Mành Thanh Hải, Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), cho biết sở đã tập huấn quy tắc ứng xử, đặc biệt là ứng xử đối với NKT, cho nhân viên xe buýt. Song có nơi có lúc vẫn còn thái độ phục vụ chưa tốt, sở sẽ tiếp tục chấn chỉnh, xử lý ngay trường hợp nhân viên vi phạm. 

Về việc dạy nghề, tạo việc làm, Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2018, thành phố đã dạy nghề cho 453 NKT và giới thiệu việc làm ổn định cho 763 người. Gần 2.200 lượt NKT được hỗ trợ về quy trình sản xuất, vay vốn ưu đãi, tặng xe lăn, xe lắc, vật nuôi, máy móc…

“Việc dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho NKT gặp nhiều khó khăn do ngành nghề đào tạo tại các trường nghề chủ yếu là ngành nghề công nghiệp đối với người có sức khỏe bình thường, không phù hợp với sức khỏe và khả năng của NKT. Thành phố chưa có đội ngũ giáo viên chuyên biệt dạy nghề cho NKT. Cơ sở vật chất, dạy nghề đặc thù cho NKT chưa được trang bị. Chưa tạo được sự gắn kết với DN để giới thiệu việc làm cho NKT”, ông Võ Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH), đánh giá.  

Ông Võ Minh Hoàng cho biết, Sở LĐTB-XH TPHCM tiếp tục tổ chức chương trình ngày hội việc làm ưu tiên cho NKT, tăng cường các hoạt động dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho NKT. Đồng thời phối hợp, đề nghị cơ sở dạy nghề kéo dài thời gian đào tạo nghề  phù hợp với điều kiện của phụ nữ khuyết tật; tăng các hoạt động hỗ trợ việc làm, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ khuyết tật làm ra…

Sở LĐTB-XH  cũng đề nghị Sở Y tế có văn bản chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn TPHCM tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tham gia khám chữa bệnh, khi khám chữa bệnh thì không phải đặt cọc tiền.

Bác sĩ, kỹ thuật viên đến tận nhà trị liệu miễn phí cho NKT

Sở Y tế TPHCM đang có chương trình phục hồi chức năng cho NKT, thực hiện thí điểm ở các quận: 4, 6, 8 và Tân Phú. Những người khiếm khuyết chức năng do các bệnh mạn tính thường gặp như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống, chậm phát triển, bại não, vẹo cột sống bẩm sinh, hay cả parkinson… đều có thể tham gia.

NKT có thể đến điểm tập ở trung tâm y tế (với quận 6 và Tân Phú), ở Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8), để tập miễn phí. Hoặc, nếu NKT không có điều kiện di chuyển tới điểm tập được, bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ tới tận nhà khám bệnh và mang máy móc tới nhà giúp NKT tập phục hồi chức năng.

Hiện nay, có 4 bác sĩ và hơn 20 kỹ thuật viên có thể phục vụ tại nhà cho đa dạng yêu cầu của NKT. Chỉ cần báo tên, địa chỉ nhà là chúng tôi mang máy móc đến giúp NKT tập miễn phí hoàn toàn. Với các quận, huyện khác, chương trình chưa áp dụng rộng rãi, song nếu NKT có nhu cầu, có thể tập hợp thành một nhóm 7 - 10 người, chúng tôi sẽ cử bác sĩ, kỹ thuật viên đến tận nơi phục vụ miễn phí. 

Bác sĩ ĐINH QUANG THANH

Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng,
Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM

Tin cùng chuyên mục