
Sau những cuốn nhật ký về chiến tranh, NXB Công an Nhân dân đã tổ chức xây dựng cả một tủ sách ấn tượng Mãi mãi tuổi 20 (bộ mới) tập hợp những tập nhật ký từ thời chiến tranh.
Những tập hồi ký, nhật ký của những người đã nằm lại hay còn sống sót trở về đều tạo nên một xúc cảm đặc biệt đối với bạn đọc. Bộ sách gồm 10 cuốn: Độc thoại và đối thoại, Cuối trời mây trắng bay, Cuộc chiến quyết tử, Một thời lính trận, Tháng ngày thương nhớ, Trời xanh không biên giới, Tôi là người may mắn, Tuổi thanh niên sôi nổi, Bão lửa cầu vồng, Đường ra trận.




“Xa mẹ, không được gặp mẹ con thật là có lỗi. Mẹ hãy dừng nước mắt, đừng khóc mẹ nhé, con đang sống mạnh khỏe giữa sự đùm bọc yêu thương của đồng đội đây...”. Đó là những dòng nhật ký của liệt sĩ Phạm Phòng Ngự khi viết về mẹ.
Đã có rất nhiều trang nhật ký của những chàng trai, cô gái tuổi hai mươi làm xốn xang trái tim người đọc khi viết về mẹ. Ngay cả trước phút hy sinh, họ cũng chỉ kịp gọi thầm “Mẹ ơi!”. Nỗi nhớ thiêng liêng ấy đã được gọi tên. Có những đứa con trở về với vòng tay mẹ hạnh phúc, bình yên.
Và có những ước mơ nằm lại với đất, chiến tranh đã trở thành vết thẹo không bao giờ liền hết nỗi đau. Với Vũ Hồng Thịnh, anh may mắn được trở về nhưng lúc nào trong lòng cũng thương nhớ khôn nguôi: “Dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng với những cựu chiến binh như chúng tôi, thì kỷ niệm về sự sống, cái chết ở chiến trường và hình bóng đồng đội mình vẫn mãi mãi không phai mờ”.
Anh đã từng đối thoại với chiến tranh qua những trang nhật ký. Đó là những suy nghĩ, trăn trở của người chiến sĩ giữa chiến tuyến ở phía trước và cuộc sống yên ả nơi hậu phương. Họ lao mình vào nơi lửa đạn để giành lấy từng mảnh đất, với hy vọng ngày chiến thắng trở về. Nhưng ở tuyến sau, không phải không có những người vẫn chỉ toan tính cho những lợi ích cá nhân của mình.
Dường như có một nỗi buồn len rất khẽ. Thế nhưng máu xương những người con của Tổ quốc đã gieo màu xanh hy vọng trên mảnh đất đã chiết tinh từ sự hy sinh của bao thế hệ đi trước.
Không phải lúc nào cảm xúc của những người ra trận chỉ đơn thuần là nỗi nhớ. Họ mang theo biết bao suy tư về sự sống, cái chết và những trăn trở về giá trị đích thực của đời người. Rất nhiều người đã từng tin rằng những người đã ngã xuống vì Tổ quốc thân xác có thể không còn, nhưng linh hồn họ trở nên bất tử bay mãi trên bầu trời quê hương.
Và tất cả những người con của Tổ quốc ấy đã trở thành huyền thoại trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.
DUY XUYÊN