Những “tử huyệt” của doanh nghiệp Việt

Năm 2010, Việt Nam có 43.000 doanh nghiệp phá sản. Năm 2011, con số này là 53.000. Bức tranh vẫn còn nhiều gam màu tối khi năm 2012, 69% doanh nghiệp báo lỗ (con số lớn nhất từ trước đến nay) và hơn 54.000 doanh nghiệp giải thể. Sau những cái giá phải trả, đâu là bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam?

Năm 2010, Việt Nam có 43.000 doanh nghiệp phá sản. Năm 2011, con số này là 53.000. Bức tranh vẫn còn nhiều gam màu tối khi năm 2012, 69% doanh nghiệp báo lỗ (con số lớn nhất từ trước đến nay) và hơn 54.000 doanh nghiệp giải thể. Sau những cái giá phải trả, đâu là bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam?

Theo các chuyên gia kinh tế, về tổng thể, cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không phù hợp với cơ cấu chung của các ngành kinh tế. Doanh nghiệp trong ngành dịch vụ chiếm 68%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 31% và chỉ khoảng 1% trong ngành nông nghiệp. Trong khi đó, 70% dân số nước ta sống ở nông thôn. Tiến sĩ Lương Văn Lý, đại diện Công ty luật VLT, cho rằng trong một nền kinh tế như vậy mà 68% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thì rõ ràng chưa ổn, chúng ta đã quên đi kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế nông nghiệp.

Một sai lầm rất nhiều doanh nghiệp mắc phải là sử dụng vốn vượt quá khả năng của mình. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng rồi lại phải sản xuất để trả lãi cho ngân hàng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp rơi vào tình trạng này là do chạy theo lợi nhuận, làm theo phong trào. Nhiều doanh nghiệp rời bỏ ngành kinh doanh cốt lõi (thế mạnh) của mình để chạy theo bất động sản. Ban đầu, bất động sản mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù, gấp nhiều lần lợi nhuận trong ngành kinh doanh cốt lõi. Nhưng về lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã dùng vốn ngắn hạn để đầu tư các dự án bất động sản dài hạn. Trong khi đó, các dự án bất động sản thường kéo dài từ 3 đến 5 năm nhưng vốn vay ngân hàng lại có thời hạn 6 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng là nợ đáo hạn. Khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng cũng là lúc các doanh nghiệp phải đối mặt với khủng hoảng, nợ ngân hàng chồng chất. Cũng về vấn đề sử dụng vốn, nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến tiền mặt và không có nguồn tiền dự phòng. Họ dốc hết vốn để đầu tư, khi rơi vào tình trạng khó khăn thì doanh nghiệp xem như “đứng máy”.

Muốn kinh doanh tốt, doanh nghiệp cần phải có chiến lược tốt. Ông Đặng Đức Thành, Phó chủ tịch Hiệp Hội DN TPHCM đánh giá khả năng lập chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tốt. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp lập kế hoạch nhưng không dựa trên công tác nghiên cứu thị trường. Việc nghiên cứu thị trường phải được tiến hành một cách kỹ lưỡng và thường xuyên, có thể định kỳ khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Khi nắm được sự thay đổi, biến động của thị trường thì doanh nghiệp mới có thể chuyển hướng kinh doanh một cách phù hợp. Mặt khác, do có sự am hiểu về thị trường, doanh nghiệp có thể tập trung xây dựng ngành kinh doanh cốt lõi của mình, tránh được tình trạng đầu tư theo kiểu “phong trào”, dàn trải, kinh doanh đa ngành kém hiệu quả.

Một hạn chế nữa các doanh nghiệp Việt Nam cần phải khắc phục là chất lượng dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng. Một số chuyên gia cho rằng dịch vụ hậu mãi của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa tốt, chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

NGỌC QUÝ

Tin cùng chuyên mục