Những vòng tay nối lại

“Năm nay, tui tài trợ năm phần quà nha ông tổ trưởng”, bà Thanh (76 tuổi, cán bộ hưu trí, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa mở lời, chú Dũng tổ trưởng (57 tuổi, tổ 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) mừng như được mùa.

Tết nhất cận kề, cái xóm lao động nhỏ xíu lại thêm phần não nề bởi một năm dịch giã, mấy tháng trời giãn cách xã hội, người mua gánh bán bưng, vé số, hàng rong… hay cánh công nhân năm nay không nợ nần đã may, chứ nói gì đến dư dả mua sắm tết.

Phía dãy nhà trọ nhiều tiếng thở dài, nhà nào cũng quyết định ở lại thành phố kiếm công chuyện mần để có đồng ra đồng vô, qua giêng còn có chút đỉnh mà tiêu xài, chứ năm này có dư dả gì mà về quê… Chú Dũng tổ trưởng cũng là F0 vừa khỏi bệnh, hoàn thành cách ly là chú chạy ngược chạy xuôi xin quà hỗ trợ cho xóm.

Năm nào, chính quyền địa phương cũng có kế hoạch chăm lo tết cho những hoàn cảnh khó khăn, nhưng năm này thì cần nhiều hơn thế. Dịch giã khiến giãn cách xã hội ròng rã mấy tháng trời, người lao động nghèo, khó khăn chồng lên khó nhọc, thêm một phần quà, một túi gạo cũng là đỡ đần được một hoàn cảnh. Chú Dũng nhẩm tính rồi cẩn thận ghi vào cuốn sổ tay. Chú nói: “Năm nay, dịch quá chừng, ai cũng mới đi làm lại được có vài tháng thì tết nhất làm sao đủ đầy được. Thôi thì ai khá hơn, sớt lại một chút để giúp hàng xóm, tui tranh thủ vận động bà con, có cô Thanh ủng hộ rồi, một ông anh trong xóm cũng vừa điện thoại tặng 10 thùng mì”.

Sáng hôm qua, mạng xã hội cũng bắt đầu chia sẻ câu chuyện ở chung cư La Astoria (TP Thủ Đức) và Hado Centrosa (quận 10). Người mua nông sản giúp bà con nông dân tiêu thụ và bán gây quỹ; người kêu gọi đóng góp giúp đỡ cho các cô chú bảo vệ, tạp vụ và những hộ có hoàn cảnh khó khăn vì dịch. Sự chia sẻ này, không phải là chuyện hiếm ở TPHCM. Mảnh đất này luôn có nhiều câu chuyện về tấm lòng hào sảng, san sẻ để người ta đỡ đần nhau trong bước đường mưu sinh. Nhưng sự sẻ chia ở cái tết năm nay, nó thật khác và thật nhiều cảm xúc.

Dịch bùng phát trong cộng đồng lần thứ 4, thành phố trở thành tâm dịch lớn nhất trong cả nước, gồng mình đi qua những ngày gian nan thì thời gian để phục hồi mọi thứ sau đó cũng không thể chỉ vài tháng cuối năm là xong được. Hoàn cảnh khó khăn nơi nào cũng có, nhưng ở thành phố năm này, tiếng thở dài khi ngoài kia đang chộn rộn tết có lẽ sẽ nhiều hơn, bởi không ít người lao động xa quê cũng đành ở lại thành phố đón tết để đỡ một phần tiền, người lao động kiếm cơm từng ngày lao đao theo mấy tháng dài giãn cách… Mùa xuân với họ có lẽ còn xa và nhọc nhằn lắm.

Sự chăm lo của thành phố cho những hoàn cảnh khó khăn khi tết đến xuân về năm nào cũng có, nhưng tết năm này, cần hơn hẳn là sự chung tay của cả cộng đồng để mùa xuân trọn vẹn đến từng nhà… Khi mỗi quận huyện ở TPHCM hiện tại, vừa phải đảm bảo tốt các công tác phòng chống dịch, chăm sóc F0 tại nhà, vừa chuẩn bị chăm lo tết cho các hộ khó khăn, các phần việc không xuể tay, hay có phần chậm trễ cũng là điều không thể tránh khỏi. Vì thế mà những phần quà tình làng nghĩa xóm như cô Thanh, hay chút đóng góp, chia sẻ của những hộ dân trong hai chung cư nói trên càng trân quý, bởi nghĩa tình ở chỗ người trao đến kịp lúc người nhận cần.

Một túi gạo, thùng mì hay phong bao lì xì… hẳn không thể gánh hết một mùa xuân trọn vẹn cho nhau được, nhưng từng ấy những chắt chiu, san sẻ để người ta thấy mùa xuân đã về quanh đây, để những cái tết của người lao động nghèo xa quê bớt đi một chút nỗi niềm… Và thành phố, dẫu một năm dài gian nan vì dịch, mùa xuân này, người ta vẫn dư dả chút tình để gửi đến nhau, bởi những vòng tay càng khó khăn lại càng siết chặt.

Tin cùng chuyên mục