Ngày 3-8 tới, Hassan Rohani, Tổng thống thứ 7 của Iran sẽ chính thức nhậm chức. Ông Rohani lên cầm quyền vào đúng thời điểm nước Cộng hòa Hồi giáo đang phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế và trong nước đang sục sôi bất mãn.
Ông Rohani thắng cử cũng được giới quan sát đánh giá là thắng lợi trên ba phương diện đối với cả Iran lẫn cộng đồng quốc tế. Vấn đề tiếp theo là triển vọng của kết quả bầu cử có tích cực, các bên có tận dụng được cơ hội này để ngả con bài của mình nhằm thoát khỏi ngõ cụt không?
Theo tạp chí World, trước hết, đối với các nước phương Tây, đó là thành công của các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính. Hiệu quả của biện pháp này đối với người dân Iran thể hiện rõ ràng trong thái độ bất bình và tâm trạng mất mát của dân chúng, từ đó thúc đẩy họ ủng hộ một ứng cử viên tỏ rõ quyết tâm thay đổi cách hành xử của Iran đối với các nước khác trên thế giới. Việc ông Rohani đắc cử tổng thống chắc chắn cho thấy thời đại mới trong nền Cộng hòa Hồi giáo. Việc ông Rohani được bầu lên cũng là thành công đối với Tehran, một chế độ được mô tả là xơ cứng, không có khả năng phát triển, cũng không có khả năng quan tâm tới nguyện vọng của dân chúng.
Thứ ba, việc ông Rohani trở thành tổng thống là đặc biệt thành công đối với nhân dân Iran, những người đã bày tỏ nguyện vọng muốn thay đổi, hiện đại và bình thường hóa quan hệ giữa Iran và thế giới bên ngoài. Nguyện vọng đó phần lớn không được cựu Tổng thống Khatami đáp ứng cũng như bị ông Ahmadinejad làm tiêu tan trong hai nhiệm kỳ của mình. Nhưng nguyện vọng đó, nay lại trỗi dậy nguyên vẹn với việc ông Rohani đắc cử.
Ông Rohani sẽ có 15 ngày để thành lập chính phủ và phải đợi Quốc hội thông qua. Quốc hội Iran sẽ xem xét hồ sơ của các ứng viên trong vòng 10 ngày. Nếu được chấp thuận, điều đó có nghĩa ông Rohani đã tiến được bước đầu tiên. Tiếp theo, vào mùa thu, các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran sẽ được nối lại. Lúc đó, sẽ là một bài test quan trọng bởi ngay trung tuần tháng 6, khi vừa thắng cử, chiến thắng của ông Rohani được “soi” khá kỹ. Trong giai đoạn đầu tiên, cần hy vọng có thay đổi về phong cách và hành động, không chỉ trong chính sách đối ngoại mà cả về vấn đề hạt nhân.
Trong lĩnh vực hạt nhân, Hassan Rohani từng là người đứng đầu phía Iran trong cuộc thương lượng từ năm 2003 đến năm 2005. Ông chính là người đã thuyết phục Giáo chủ Ali Khamenei vào cuối năm 2003 ngừng chương trình hạt nhân quân sự được lực lượng Vệ binh cách mạng bí mật thực hiện. Việc ngừng chương trình hạt nhân bí mật nói trên được Rohani kiên quyết thực hiện mặc dù gặp nhiều trở ngại, từ đó đến nay được cộng đồng tình báo Mỹ, rồi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thừa nhận. Điều mọi người quan tâm là vốn liếng chính trị của ông Rohani sẽ giúp ông tới cỡ nào khi Giáo chủ Ali Khamenei vẫn là người có quyền lực tối cao ở Iran? Bên cạnh đó, phục hồi kinh tế, tạo việc làm cũng là việc làm cấp bách.
Theo ông Rohani, chỉ 14.000 việc làm được tạo ra hàng năm trong khoảng thời gian 2006 - 2012 chứ không phải hàng trăm ngàn việc làm như Tổng thống Ahmadinejad từng tuyên bố. Tỷ lệ lạm phát cũng ở mức 42% chứ không chỉ 32% như khẳng định của chính phủ cũ.
Đánh giá về Iran đã có sự thay đổi tích cực. Nước này tạm thời không còn nhận nhiều chỉ trích gay gắt như vốn thường có. Chưa biết ông Rohani có tạo được sự khác biệt hay không nhưng dẫu sao, ông Rohani vẫn là niềm hy vọng mới.
VIỆT KHUÊ