Hôm nay, ngày 20-11, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Điểm nhấn của hội nghị lần này sẽ là cuộc họp hội đồng Nga-NATO mà NATO hy vọng sẽ là cơ hội để Nga-NATO nâng tầm quan hệ thành đối tác chiến lược.
Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã dành những lời có cánh cho cuộc gặp quan trọng này. Theo ông A.Rasmussen, đây là cơ hội để Nga và NATO “chôn vùi bóng ma quá khứ” phủ bóng quan hệ 2 bên. Tổng Thư ký NATO cho biết đang theo đuổi mục tiêu đưa quan hệ Nga-NATO thành đối tác chiến lược bởi các thành viên trong khối nhận thức rõ sự cần thiết trong việc tăng cường hợp tác với Nga.
Giới quan sát nhận định việc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận lời mời tham gia hội nghị tại Lisbon là một chuyển động đáng chú ý. Lần đầu tiên kể từ sau cuộc xung đột Nga-Gruzia năm 2008, Tổng thống Nga sẽ tham dự một cuộc họp cấp cao Nga-NATO.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng cuộc gặp ở Lisbon có thể chấm dứt hoàn toàn thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh và mở ra hướng phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Nga và NATO. Theo ông S.Lavrov, Mátxcơva sẵn sàng hợp tác với NATO trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho cả 2 bên.
Thế nhưng có vẻ như để xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược cần phải có niềm tin. The Moscow Times chỉ ra 5 nguyên nhân Nga và NATO không thể chung một con thuyền, trong đó nguyên nhân xuất phát từ sự chưa thực sự tin cậy lẫn nhau của cả 2 bên. Trong năm nay, khi Nga dự định mua tàu chiến Mistral của Pháp, không ít thành viên NATO, trong đó có Mỹ tỏ ra lo ngại, sợ rằng Nga muốn có công nghệ của NATO để chống lại NATO sau này.
Bên cạnh đó, việc NATO luôn cam kết bảo trợ cho Gruzia, một nước đối đầu với Nga cũng làm chú gấu Bắc cực lo lắng. Một trong những yếu tố cản trở quan hệ Nga-NATO trở thành đối tác chiến lược là kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang xây dựng ở Đông Âu. Mỹ đã có điều chỉnh sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên cầm quyền nhưng rõ ràng hệ thống này vẫn còn sát biên giới Nga. Nga có lý do để cho rằng hệ thống này chắc chắn nhằm vào Nga.
Theo các nhà phân tích quân sự Nga, với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đặt trên các hạm đội của Mỹ ở biển Bắc, biển Đen, Địa Trung Hải và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo điều khiển từ xa đặt ở Đông Âu thì dường như toàn bộ biên giới phía Tây nước Nga đã bị Mỹ và NATO bao vây.
Về phía Nga, các nghị sĩ Nga lo ngại “thành tích” trong quá khứ như dội bom Nam Tư trong vòng 12 tuần vào năm 1999, đánh dấu lần đầu tiên NATO tấn công một nước ngoài thành viên NATO, hay lần đầu tiên đưa quân bảo vệ một nước ngoài NATO như Afghanistan. Với “thành tích” trong vòng một thập kỷ qua, Nga có cơ sở nghi ngại NATO cũng có thể tấn công Nga vào một ngày nào đó.
Một nghị sĩ Nga nói: chúng tôi biết NATO không phải là kẻ thù nhưng NATO là một tổ chức quân sự có vũ khí hạt nhân và hệ thống mang đầu đạn hạt nhân hiện đại. Ông cũng nhấn mạnh những bất đồng nghiêm trọng nhất giữa Nga và NATO như cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999 cũng như xung đột ở Gruzia năm 2008 đều xảy ra sau khi Chiến tranh lạnh đã lùi xa.
ĐỖ VĂN