Năm nay, người dân nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc - mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) lần đầu tiên trong đời được đi chơi tết bằng… xe. Những người con xa quê, nay về nhà đón xuân đã không còn vất vả phải đi “mấy bận đò”. Đó là nhờ con đường mang tên Bác vừa thông xe, đã mang mùa xuân về tràn ngập niềm vui ở nơi xa nhất của đất nước có bản đồ hình chữ S…
Thông xe đường về Đất Mũi, mở ra cơ hội phát triển cho vùng cuối đất nước
Từ giữa tháng 1-2016 đến nay, khi đường Hồ Chí Minh, đoạn “Năm Căn- Đất Mũi” thông xe kỹ thuật, thì vùng đất cực Nam Tổ quốc đã trở nên nhộn nhịp hơn, xe cộ lưu thông tấp nập trên con đường mới mở, người dân địa phương thì hớn hở đón cái tết đầu tiên… có đường bộ lưu thông.
Những ngày giáp tết khi đi trên con đường này, chúng tôi thấy nhiều đoạn được “xẻ dọc” qua những cánh rừng đước xanh bạt ngàn rất đẹp. Nhiều người dân nói, con đường này là giấc mơ của biết bao thế hệ, nay mới thành hiện thực. Càng thiêng liêng hơn, con đường đó lại mang tên Bác Hồ kính yêu. Trên bản đồ hình chữ S của nước ta, không nơi nào xa hơn Đất Mũi. Vì vậy, trước đây người dân xứ này muốn đi “chợ tỉnh” phải mất cả ngày đường vì qua mấy chặng đò. Do cách trở về giao thông nên nhiều người dân quanh năm chỉ sống quanh quẩn trong rừng, hay mưu sinh ngoài biển. Vì vậy, không ít người cả đời “chưa bước chân ra khỏi rừng”.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất cực Nam này, ông Đoàn Văn Ẩn (ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi) không giấu được niềm vui khi con đường mang tên Bác đã về đến vùng đất mà ông gắn bó cả đời mình. Ông Ẩn xúc động: “Vui lắm chú! Vì từ ngày đất nước thống nhất đến nay đã hơn 40 năm, người dân Đất Mũi luôn ao ước có một con đường đi thông lên huyện, đến tỉnh. Niềm ao ước đó nay đã thành sự thật, con đường mang tên Bác đã về đến vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Hôm thông xe bà con ở Đất Mũi vui lắm. Ai cũng tin tưởng khi có đường bộ giao thông thuận tiện, cuộc sống nơi đây sẽ đổi thay, công việc làm ăn tốt hơn”.
Con đường đi qua, nhiều người dân Đất Mũi cũng đã nghĩ đến chuyện “ăn theo”. Hiện nhiều người đã mở quán ăn, quán cà phê… dọc hai bên đường, dựng chỗ rửa và sửa xe… nhằm kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, nhiều hộ sống gần mũi Cà Mau đã đầu tư chỉnh trang vuông tôm và những cánh rừng đước của mình để làm “du lịch cộng đồng” phục vụ khách phương xa về thăm Đất Mũi và trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Đường mới cũng giúp những sản vật tại địa phương đưa đi tiêu thụ nhanh và có giá cả hơn. Ông Nguyễn Hoàng Hôn, Chủ nhiệm HTX nuôi hào Đất Mũi, nói: “Trước đây, thương lái đến mua hào đưa đi tiêu thụ thị trường TPHCM phải qua hai chặng đường thủy và bộ nên mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, thương lái mua giá thấp để bù vào chi phí vận chuyển. Nay xe tải đã xuống được tận Đất Mũi và chở hàng tươi sống lên thẳng TPHCM và các tỉnh, thành khác tiêu thụ, vì thế giá cả được nâng lên”.
Trước đây mỗi lần về Đất Mũi, chúng tôi hay ghé nhà ông Sáu Thục (Trần Văn Thục, 65 tuổi, ấp Rạch Thọ) để tá túc qua đêm. Gặp lại ông Sáu Thục lần này, ông kéo tôi vào nhà khoe: “Chú vừa mua một lúc 3 xe máy, một cho đứa cháu, 2 chiếc còn lại để vợ chồng đi đây đi đó. Tết này chú tính chạy lên Khu du lịch Khai Long xem bắn pháo hoa đêm giao thừa. Mọi năm đều ngồi ở nhà xem bắn pháo hoa qua tivi không hà. Năm nay đường giao thông thuận lợi nên đi xem thực tế cho biết”.
Tuyến đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi hoàn thành, không chỉ người dân phấn khởi mà đem lại nhiều kỳ vọng cho địa phương. Chia sẻ cảm nghĩ của mình, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, nói: “Khi con đường hoàn thành thì Đất Mũi sẽ “gần” hơn với cả nước. Vì vậy, con đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như an ninh quốc phòng. Thời gian qua, du lịch tại Đất Mũi phát triển chưa như mong đợi, nay đã tạo thuận lợi cho du lịch chuyển mình. Ngoài ra, những đặc sản vùng Đất Mũi cũng có điều kiện đi xa hơn và nhanh hơn đến với mọi miền đất nước”.
NGỌC CHÁNH