Niềm vui trúng mùa - được giá: Bao giờ trọn vẹn?

Nhiều mặt hàng nông sản như lúa, xoài, chôm chôm, cá tra trúng mùa, được giá đang tạo sự phấn khích mạnh mẽ đối với nông dân. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, để người dân đạt mức lợi nhuận cao nhất khi nông sản được giá, cần phải giải quyết nhiều vấn đề.
Niềm vui trúng mùa - được giá: Bao giờ trọn vẹn?

Nhiều mặt hàng nông sản như lúa, xoài, chôm chôm, cá tra trúng mùa, được giá đang tạo sự phấn khích mạnh mẽ đối với nông dân. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, để người dân đạt mức lợi nhuận cao nhất khi nông sản được giá, cần phải giải quyết nhiều vấn đề.

  • Thị trường thuận lợi

Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản bình ổn ở mức giá cao. Ông Huỳnh Văn Sang, Phó Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc Cái Bè (Tiền Giang) nói: Hơn 1 năm qua HTX làm ăn rất thuận lợi. Giá xoài ở mức khá cao, dao động từ 30.000 đồng/kg lúc chính vụ, mùa nghịch, dịp tết đến 50.000 - 70.000 đồng/kg. Nông dân thu được lãi cao. Chúng tôi vừa hoàn tất xuất khẩu 100 tấn hàng tốt sang Nhật Bản. Hiện HTX đang xúc tiến việc xuất hàng sang thị trường Mỹ, Hồng Công, Trung Quốc. Tuy nhiên mối lo hiện nay là khó huy động số lượng sản phẩm lớn đáp ứng các hợp đồng. Lúc mới thành lập, năm 2002, HTX chỉ có 7ha với 23 xã viên, nay phát triển lên 110 xã viên, nâng tổng diện tích canh tác xoài cát Hòa Lộc lên 70ha. Hiện HTX đang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP.

Xu hướng nhà vườn liên kết sản xuất đạt các tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP đang được nhiều nông dân áp vào các mặt hàng như xoài (Tiền Giang), chôm chôm (Bến Tre), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long). Đây được xem là giấy “thông hành” để trái cây vào các siêu thị có tên tuổi trong nước cũng như xuất khẩu ra thế giới.

Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, phấn khởi nói: “Giá bưởi đang ở mức rất cao, thị trường đang hút hàng, hiện HTX thu mua của nông dân 12.000 đồng/kg. Đầu năm đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu 6 container, hơn 20 tấn, sang thị trường Nga, Anh, Trung Quốc. Với mức giá hiện nay, nông dân cầm chắc lời 60%-70%”.

Nông dân ĐBSCL đã đẩy mạnh sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Nông dân ĐBSCL đã đẩy mạnh sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Trong khi đó, các doanh nghiệp như Gentraco, MeKong (Cần Thơ) Bảo vệ thực vật An Giang… đã bao tiêu hàng ngàn hécta lúa cho nông dân. Lúa được bao tiêu với giá cao, 6.500 - 7.000 đồng/kg, giúp nông dân đạt lợi nhuận 40%-50%. Đây là cách làm căn cơ để nông dân trồng lúa đạt mức lợi nhuận cao.

  • Nỗi lo treo lơ lửng

Đó là cách nói của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, khi chỉ ra nhiều thách thức mà nông dân đang đối diện: biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, giá cả vật tư liên tục tăng cao. Để các mặt hàng nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn cao, nông dân không thể có kinh phí để xây dựng, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí địa phương và doanh nghiệp.

Thu hoạch cá tra cung ứng chế biến xuất khẩu.

Thu hoạch cá tra cung ứng chế biến xuất khẩu.

Hiện nay HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa - Bình Minh đang gặp rất nhiều khó khăn vì không được đầu tư để tiến hành tái xác nhận tiêu chuẩn Global GAP. Hiện tại bằng chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP hết hạn, bị treo và đang có nguy cơ mất vĩnh viễn. Chi phí cần tới 8.000 USD nhưng HTX không có khả năng. Nhiều lần chính quyền huyện, tỉnh hứa hỗ trợ khoảng kinh phí này nhưng đến nay vẫn chưa có gì. HTX đang thiếu vốn rất lớn, không có tiền đầu tư kho lạnh dự trữ bưởi cho nông dân.

“Vua lúa giống” Dương Văn Châu (Năm Châu) ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Hàng năm bình quân có khoảng 40.000 - 60.000ha lúa bị thiệt hại do mưa chụp hoặc nước mặn xâm nhập... Hiện cái khó của người làm lúa là không thể trữ lại chờ giá lên. Vì cần tiền trang trải cuộc sống, học hành, trả nợ phân, thuốc trừ sâu mua từ đầu vụ… nên phần lớn đều bán lúa sau khi thu hoạch. Chính vì thế, cứ vào vụ thu hoạch đông ken, giá bị kéo xuống, nông dân chịu thiệt thòi. 

  • Rất cần sự hỗ trợ

    “Cần phải quy hoạch ở đâu, sản xuất trái cây gì, diện tích bao nhiêu, khi nào xong quy hoạch; ai thực hiện phải chỉ cho rõ; chính sách để cải tạo vườn cây không chuyên… Thực hiện tốt điều này chúng ta mới có xuất khẩu lớn hơn” - TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đề xuất.

Để người nông dân có lợi chính đáng, nhất thiết phải tổ chức lại quy trình sản xuất một cách chuyên nghiệp hơn. Đó là phải tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cùng làm một vài giống lúa tốt, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo đầu ra ổn định. Doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất cho nông dân, rồi bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lẫn tạp. Có như thế nông dân mới giảm được chi phí đầu tư, có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát, hạn chế các khâu trung gian, tăng lợi nhuận trên cánh đồng của mình.

Để nông dân có lợi nhuận tối đa, cần đầu tư mạnh vào nông nghiệp, đảm bảo nguồn vốn cho nông dân sản xuất. Đặc biệt, là chính sách hỗ trợ nông dân trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nhất là ưu đãi về vốn, lãi suất. Về lâu dài, nhất thiết phải tập trung cho mối liên kết 4 nhà thật cụ thể, không nói chung chung, thì nông dân mới gia tăng hiệu quả trong sản xuất…

BÌNH ĐẠI – CAO PHONG

TS Lê Văn Bảnh cho rằng: hiện nay ngưỡng năng suất lúa gần như đã chạm trần. Tuy nhiên, năng suất chênh lệch trong nông dân sản xuất còn rất cao, khoảng 1 - 3 tấn. Cần đào tạo, giúp nâng cao tay nghề sản xuất lúa và giúp nông dân biết cách quản trị chính mảnh đất của mình. Và cần nhìn lại chuỗi giá trị lúa gạo, để từ đó phân phối hợp lý lúa gạo theo hướng có lợi nhất cho nông dân.

Tin cùng chuyên mục