Tết đến là dịp để sum họp, vui vẻ gia đình nhưng đối với các em nhỏ mồ côi đang sống trong các trung tâm bảo trợ, mái ấm, nhà mở, ngày tết thật trống vắng.
Mơ ngày đoàn tụ
Tại Làng Thiếu niên Thủ Đức, hiện nuôi 180 em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ. Mỗi em một hoàn cảnh, em mồ côi cha, em không may mất mẹ, có em bất hạnh hơn khi không có cả mẹ lẫn cha. Lại có những em bị bỏ rơi từ khi vừa lọt lòng... Xúng xính trong bộ áo đầm mới, bé Mỹ Duyên hớn hở khoe: “Tết này con vui lắm, con được mẹ Yến cho quần áo mới, được cùng các chị trang trí nhà cửa chuẩn bị đón tết. Nghe các chị nói tết được ăn ngon, được đi chơi nữa, con chưa được đi chơi tết lần nào nên đang trông chờ tết đến từng ngày…”. Đôi mắt thoáng buồn của cô bé khi được hỏi về gia đình nhưng rồi chợt bừng sáng khi nghe kể về chương trình vui chơi ngày tết.
Cách đây gần một tháng, Mỹ Duyên được chính quyền phường Bình Thọ (Thủ Đức) đưa vào đây. Ngoài tên tuổi, không ai rõ lai lịch của cô bé như thế nào. Nghe Duyên kể 2 năm trước em và cậu em song sinh được mẹ gửi nhờ một người quen nuôi giúp, được vài tháng mẹ bé biệt tăm không thấy tin tức gì, bị người họ hàng hành hạ nên em và em trai được đưa về trung tâm ở tạm để chờ liên lạc với gia đình.
Khác với Duyên, từ lâu lắm rồi em Tấn Thành đã quen với cái tết thiếu vắng sự sum họp của gia đình. Em được đưa vào Làng Thiếu niên Thủ Đức khi chưa tròn một tuổi. Các mẹ ở trung tâm cũng đã nhiều lần tìm tung tích quê quán em nhưng mọi thứ đều mịt mờ. Thành kể: “Em đã từng mong sao đừng có tết. Mỗi khi tết về em rất buồn. Em luôn khao khát có được cảm giác quây quần đón tết bên gia đình như những bạn khác. Em mong một lần được cùng mẹ đi mua sắm quần áo mới vào ngày tết nhưng chẳng bao giờ thực hiện được”. Buồn là vậy nhưng khi đưa ra kế hoạch chuẩn bị tết thì Thành rất nhiệt tình, bởi theo em, mình là người vào đây trước nên phải cố gắng hướng dẫn các em nhỏ hơn từ việc dọn dẹp đến trang trí tết cho từng phòng.
Cùng chung tay
Để các em không cảm thấy trống vắng, lãnh đạo các trung tâm, mái ấm, nhà mở cũng đã tạo nên không khí ấm cúng của một đại gia đình. Tại khu nhà Bình Minh (Làng Thiếu niên Thủ Đức) khi chúng tôi ghé thăm luôn rộn rã tiếng cười nói. Còn thiếu thốn nhiều về vật chất nhưng ngôi nhà ấy lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nói của các thành viên trong đại gia đình. Những ngày cuối năm, căn nhà lại trở nên vui hơn với những bài hát do các em tự biên tự diễn để chuẩn bị cho lễ hội xuân sắp tới tại trung tâm. Các em khác hớn hở cùng các mẹ, các dì trang trí nhà cửa, chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét…
Cô Dương Thị Yến, mẹ của các bé ở nhà Bình Minh tâm sự: “Do thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm nên hầu hết các bé rất tự lập, ít bộc lộ cảm xúc. Nhưng tết về, các cháu ít nói, suy tư ra mặt khi thấy bạn có người thân đưa về đoàn tụ… trông thương lắm. Vì vậy, ngoài việc tặng quà và lì xì cho các cháu vào dịp năm mới thì mỗi khi tết về, chúng tôi còn tự tay chuẩn bị cho các cháu từ bộ quần áo mới rồi bánh kẹo, đồ ăn ngày tết… chỉ mong các con bớt tủi thân khi thiếu vắng tình thương của gia đình”.
Còn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình 2 (Thủ Đức), trên 100 em nhỏ ở đây cũng đang háo hức chờ tết đến. Để vơi nỗi trống vắng trong lòng các em, vào những ngày tết, cán bộ nhân viên tại đây đã cố gắng hết sức để các em cảm nhận được không khí của một gia đình. Tết đến, các em được tặng áo mới. Những em ở lại thì líu ríu bên cô bảo mẫu, lặt lá mai, dọn dẹp phòng ở, dán câu đối, hoa mai vàng lên mỗi cửa phòng. Các em háo hức khoe một lẵng trái cây, bánh chưng, bánh tét mà các cô đã chuẩn bị để các em trang trí mâm ngũ quả.
Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, chia sẻ: “Với mức sinh hoạt phí 520.000 - 360.000 đồng/tháng/trẻ so với chi phí đắt đỏ hiện nay, các cháu vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo TP, năm nào cũng vậy, tết đến chúng tôi đều cố gắng tổ chức lễ hội xuân cho các cháu với nhiều hoạt động như gói bánh tét; tổ chức các chương trình ca nhạc, liên hoan, các trò chơi dân gian… Thiếu thốn cả vật chất và tình cảm nên các em rất dễ tủi thân nhất là trong những dịp lễ tết như thế này. Đây cũng là lúc mà chúng tôi dồn hết tâm lực để các em quên đi nỗi bất hạnh của mình”.
Thanh An – Hồ Việt