Nỗ lực của các nhà văn cấp úy

Thường thì sau mỗi một cuộc chiến tranh vệ quốc lại sản sinh ra một thế các “nhà văn trung úy”. Trên thế giới đã từng có “các nhà văn trung úy” của Liên Xô, của Trung Quốc, và Việt Nam cũng đã từng xuất hiện một thế hệ các “nhà văn cấp úy” sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc.

Vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đất nước mới thống nhất được vài năm, bạn đọc cả nước đã được tiếp nhận một loạt những tiểu thuyết nóng hổi của các nhà văn cấp úy vừa bước ra từ khói lửa chiến tranh, như Mở rừng của đại úy Lê Lựu, Người ở thượng nguồn của thượng úy Nguyễn Bảo, Nắng đồng bằng của thượng úy Chu Lai, Năm 1975, họ đã sống như thế của trung úy Nguyễn Trí Huân, Trong cơn gió lốc của trung úy Khuất Quang Thụy, Người của biển của trung úy Đình Kính, Ngược chiều cái chết của trung úy Trung Trung Đỉnh…

Thời gian thấm thoát qua nhanh, mới đấy mà họ đều đã thành các đại tá - nhà văn, trở thành những cây bút tiểu thuyết gạo cội, người thì đã nghỉ hưu, người thì đang công tác những năm cuối cùng của cuộc đời quân ngũ.

Bước sang những năm cuối cùng của thập kỷ đầu tiên thuộc thế kỷ 21 này, chúng ta đã lại có thể điểm danh một đội ngũ nhà văn cấp úy mới với những cuốn tiểu thuyết nóng hổi hơi thở đời sống hôm nay.

Nữ đại úy nhà văn Đỗ Bích Thúy sau thành công vang dội với thể loại truyện ngắn (giải nhất Văn nghệ Quân đội năm 1999), đã trình làng tiểu thuyết đầu tay với tên gọi Bóng của cây sồi, và lại giành giải thưởng trong cuộc thi Sáng tác cho tuổi trẻ của NXB Thanh Niên năm 2005.

Khi viết về Bóng của cây sồi, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đánh giá: “Tính xã hội, tính nhân văn, lòng trắc ẩn và khao khát của nhà văn đã được gửi gắm vào từng trang viết. Nó đã được nói qua nhân vật, qua giọng kể không mới lạ nhưng đằm lắng và nhiều cảm xúc của Đỗ Bích Thúy. Hiện tại, quá khứ, chuyện mới, chuyện cũ đan xen, cài quấn nhau như dòng chảy của cuộc sống muôn đời nay tiếp nối, tiếp nối không dứt”.

Đại úy Đỗ Tiến Thụy đã lấy tiểu thuyết đầu tay của mình, Màu rừng ruộng, làm tác phẩm tốt nghiệp trước khi anh rời Khoa sáng tác lý luận phê bình (Đại học Văn hóa Hà Nội). Tác phẩm này đã được NXB Trẻ phát hành ngay sau đó và gây được sự chú ý của đông đảo bạn đọc.

Nhà văn Lê Hoài Lương đã có những phát hiện lý thú khi đọc Màu rừng ruộng như sau: “Đỗ Tiến Thụy không tìm cách tân kỳ thi pháp, chỉ dựa vào khả năng tinh tế trong quan sát, chiêm nghiệm. Kiến thức và vốn sống là chỗ dựa căn bản cho những tìm tòi về chủ đề, về các ý tưởng nghệ thuật. “Màu rừng ruộng” là khởi đầu cho độ trường lực rất đáng trông chờ ở nhà văn này”.

Đại úy nhà văn Nguyễn Đình Tú với bộ ba tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện và Nháp. Trong cuộc thi tiểu thuyết của NXB Công an Nhân dân, Nguyễn Đình Tú là tác giả trẻ nhất có tiểu thuyết dự thi và được giải.

Nhà văn Nam Hà khi đó trong ban sơ khảo đã nhận xét: “Tiểu thuyết “Hồ sơ một tử tù” gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Tác giả gióng một tiếng chuông thức tỉnh những mê muội của một bộ phận không nhỏ thanh niên nông thôn muốn nhanh chóng thay đổi cuộc đời không phải bằng con đường lao động chân chính. Cách viết của Nguyễn Đình Tú rất mới. Mỗi chương là một diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Tác giả lý giải khéo léo con đường dẫn đến bi kịch của từng cá nhân trong hỗn tạp những cạm bẫy của xã hội hiện đại”.

Đầu năm 2008, thiếu úy Nguyễn Xuân Thủy gây ngạc nhiên cho bạn đọc bằng cuốn tiểu thuyết có tựa đề Biển xanh màu lá. Ngạc nhiên vì đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên lấy Trường Sa làm bối cảnh chính của tác phẩm. Đúng thời điểm Biển xanh màu lá ra đời cũng là lúc tác giả của nó có chuyến quay trở lại Trường Sa, nơi anh từng công tác gần chục năm về trước. Anh đã dùng toàn bộ số tiền nhuận bút ít ỏi của mình để mua sách mang theo tàu ra đảo. Cuốn sách đã ngay lập tức được cán bộ chiến sĩ ngoài đảo hồ hởi đón nhận. Bởi lần đầu tiên, những người lính nơi đầu sóng ngọn gió này được một nhà văn cấp úy hình tượng hóa thành những nhân vật tiểu thuyết.

Đánh giá về nghệ thuật của cuốn sách nhà phê bình Đoàn Minh Tâm cho rằng: “Thời gian nghệ thuật trong Biển xanh màu lá là thời gian tuyến tính, được triển khai theo một vòng tuần hoàn khép kín với chu trình của biển: tĩnh - động - tĩnh. Vòng tuần hoàn này đã giúp Nguyễn Xuân Thủy tạo nên một lát cắt về cuộc sống người lính Trường Sa với đủ đầy các cung bậc, sắc thái, theo nhịp hô ứng của biển cả”.

Cũng trong năm 2008, trung úy nhà văn Phùng Văn Khai xuất bản tiểu thuyết đầu tay với tên gọi Hư thực. Đầu năm 2009, thượng úy Nguyễn Thế Hùng trình làng cuốn tiểu thuyết Họ vẫn chưa về, viết về đất và người Hà Tĩnh hôm qua và hôm nay. Còn có thể kể đến thượng úy Trung Phương với tiểu thuyết Sóng trên núi, đại úy Quỳnh Linh với tiểu thuyết Tâm đen và tác phẩm của một vài cây bút - chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở nhưng do phạm vi khảo sát hạn hẹp mà bài viết này không nêu hết được.

Có thể nhận thấy nội dung tiểu thuyết của các nhà văn cấp úy rất phong phú, biên độ đề tài được mở rộng từ miền núi tới thành thị, từ chiến tranh đến người lính hôm nay, từ các vấn đề của lịch sử đến đương đại. Về thi pháp thể loại cũng có nhiều tìm tòi, từ truyền thống chương hồi đến tân kỳ phá cách, với đủ các yếu tố huyền ảo, phi lý, hậu hiện đại…

Những gương mặt tiểu thuyết cấp úy trên đây đã cho thấy đóng góp đáng kể của lực lượng viết văn quân đội trên văn đàn hiện nay.

NHÂN KIỆT

Tin cùng chuyên mục