Nỗ lực đến trường sau hạn, mặn

Cùng với cả nước, hôm nay 5-9, nhiều ngôi trường ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đồng loạt khai giảng năm học mới. Năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn hoành hành trên diện rộng khiến việc sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn khó. Dù vậy, chính quyền địa phương, nhà trường, các bậc phụ huynh… vẫn quyết tâm vượt khó để học sinh được đến trường đông đủ…
Nỗ lực đến trường sau hạn, mặn

Cùng với cả nước, hôm nay 5-9, nhiều ngôi trường ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đồng loạt khai giảng năm học mới. Năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn hoành hành trên diện rộng khiến việc sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn khó. Dù vậy, chính quyền địa phương, nhà trường, các bậc phụ huynh… vẫn quyết tâm vượt khó để học sinh được đến trường đông đủ…

Khó mấy cũng tới trường

Men theo con đường ven biển, từ vùng nông thôn xã Bình Trị ra đến trung tâm huyện Kiên Lương (Kiên Giang) ngót nghét 15km. Đoạn đường tuy không quá xa, nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh phải nỗ lực để lo cho con gái tiếp tục đến trường. Chị Ánh kể: Khoảng 4 năm trước, do làm ăn thất bại nên vợ chồng chị rời quê ở Đồng Tháp xuống xứ biển Kiên Lương lập nghiệp. Vừa làm thuê vừa tích lũy, từng bước gia đình chị có được hơn 10 công đất làm 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Cuộc sống cả nhà trông hết vào đó. Thế nhưng đầu năm 2016, hạn hán đến sớm và kéo dài, trong khi nước mặn xâm nhập sâu, độ mặn cao khiến tôm chết tràn lan, còn lúa cũng không được gì. Thất mùa liên tục đẩy gia đình vào cảnh nợ nần. “Ở vùng nông thôn này không có trường cấp 3 nên con gái tôi phải ra tận trung tâm huyện Kiên Lương học lớp 10 và thuê nhà trọ ngoài đó. Bây giờ nhà túng thiếu do sản xuất bị mất mùa, nhưng thương con gái ham học nên vợ chồng phải ráng lo hơn 2 triệu đồng mua quần áo, tập sách và những thứ khác để con được đi học, hy vọng tương lai sau này…”, chị Ánh bộc bạch.

Cạnh xã Bình Trị là xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), một trong những xã bị thiệt hại nặng trong đợt hạn, mặn vừa qua với khoảng 3.000ha lúa mất trắng. Chính vì thế, việc lo cho con em vào năm học mới cũng lắm gian nan. Ông Danh Hương, ngụ ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, chua chát: “Vụ rồi nước mặn ập vào làm mất mùa khiến gia đình tôi lâm nợ hàng chục triệu đồng nên mấy đứa con của tôi phải lên tận Bình Dương làm thuê kiếm sống. Còn 2 đứa cháu nội ở lại đây, dù túng thiếu nhưng gia đình cũng cố gắng cho cháu tới trường để biết cái chữ với người ta”. Theo ông Danh Hậu, Trưởng ấp Giồng Kè, xã Bình Giang: “Chưa bao giờ người dân xứ biển này lâm vào cảnh khó như năm nay. Vụ đông xuân vừa rồi có khoảng 1.000ha lúa ở ấp bị thiệt hại, nay bà con gieo sạ lại vụ hè thu thì lúa tiếp tục thất bát do nhiễm bệnh. Thời gian qua đã có hàng trăm người rời quê đi TPHCM, miền Đông Nam bộ làm thuê, trong khi con em thì gửi lại cho ông bà nội - ngoại trông coi. Để đảm bảo cho các em được tới trường đông đủ, chính quyền tích cực phối hợp với nhà trường đến từng gia đình vận động ra lớp. Điều đáng mừng là dù khó khăn nhưng hầu hết các hộ rất quan tâm việc học hành của con cái”.

CLB Nụ Cười TP Cần Thơ hỗ trợ học sinh nghèo ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nhân đầu năm học mới

Tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… nhiều gia đình khốn đốn vì hạn, mặn làm thiệt hại lúa, vườn cây, tôm chết nhưng tất cả đều cố gắng cho con em tiếp tục đến trường. Anh Lê Hoàng Kỳ, ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre), tâm sự: “Vùng này sống nhờ con tôm nhưng nuôi tôm càng lúc càng rủi ro bởi thời tiết bất lợi, dịch bệnh tràn lan. Tôm nuôi không hiệu quả nên kinh tế chật vật nhưng vợ chồng tôi cũng cố gắng lo xong sách vở, quần áo, xe đạp… cho con tiếp tục học lên lớp 11, nhằm sau này tìm một nghề nào đó đỡ vất vả hơn cha mẹ nó bây giờ”.

Chung tay chăm lo giáo dục

Theo ông Đặng Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương (Kiên Giang), năm học này huyện vừa đầu tư hơn 14 tỷ đồng xây mới 15 phòng học và sửa chữa 28 phòng học khác, đảm bảo cho tất cả học sinh các cấp có phòng học ổn định. Đến thời điểm này, ngành giáo dục, chính quyền và các đoàn thể đã vận động được hơn 97% học sinh ra lớp; riêng trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 100%. Đối với những hộ khó khăn, chính quyền sẽ hỗ trợ quần áo, sách vở… để tất cả đều được tới trường. “Lãnh đạo huyện đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các trường tìm hiểu, thăm hỏi và dự khai giảng năm học; nếu trường nào hoặc học sinh nào có khó khăn thì báo cáo ngay để huyện hỗ trợ. Cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học ngày càng tăng”, ông Đặng Minh Thành cho biết.

Tại xã vùng sâu Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), ông Nguyễn Thành Vẹn, Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: “Hầu hết học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS… đều được vận động đến trường đầy đủ. Riêng các em ở Trường Tiểu học Phương Thịnh 1 có thêm niềm vui là cây cầu nông thôn bắc qua điểm trường này vừa được xây mới hoàn thành, từ nguồn kinh phí của bạn đọc Báo Dân trí và Báo SGGP hỗ trợ”. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), chia sẻ: “Công ty vừa trao 450 suất học bổng và 30.000 quyển tập (tổng trị giá 400 triệu đồng) hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi được tiếp tục đến trường. Đây là hoạt động thường niên của công ty nhằm hỗ trợ phần nào cho các gia đình ở nông thôn bị thất mùa, có thêm động lực lo cho con em học tốt”. Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết vừa phối hợp với Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh này trao 334 suất học bổng (tổng giá trị gần 540 triệu đồng) cho học sinh nghèo hiếu học trong tỉnh để tiếp sức kịp thời cho các hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản bị thất bát do hạn, mặn gây ra.

Thầy giáo Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hòa 2A, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) xúc động cho biết, đầu năm học mới được các mạnh thường quân ở Cần Thơ đến hỗ trợ cho 184 học sinh nghèo những phần quà học tập đầy ý nghĩa; đồng thời tặng hàng trăm bộ quần áo mới, giày bata… cho các em. Đây là nguồn động viên to lớn cho học sinh vùng ĐBSCL có thêm nghị lực để học tốt.

HUỲNH LỢI - LONG HÒA

Tin cùng chuyên mục