Một thực trạng đáng báo động về tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan ở nước ta khi thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đứng thứ 8/10 nước khu vực ASEAN nhưng việc sử dụng rượu bia lại đứng thứ 3 châu Á. Tệ hơn, tình trạng lạm dụng rượu, bia đang dẫn tới những hệ lụy nguy hại cho sức khỏe người dân và gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Mỗi năm uống 3 tỷ lít bia, 68.000 lít rượu
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế và nhiều tổ chức độc lập cho thấy, tình trạng sử dụng rượu, bia ở nước ta diễn ra khá phổ biến, thậm chí là tràn lan tại nhiều nơi. Không quá khó khăn để bắt gặp những quán nhậu đông nghịt khách tới đêm khuya. Thậm chí nhiều quán ngay đầu giờ trưa đã có rất nhiều người kéo tới nhậu nhẹt mà trong đó không ít người là cán bộ, công chức nhà nước đang trong giờ làm việc.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, qua các cuộc khảo sát cho thấy, việc sử dụng rượu bia ở nước ta là phổ biến, đặc biệt là nam giới, ước tính 70% đàn ông Việt Nam thường xuyên uống rượu, bia, trong đó cứ 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức có hại, tương đương 6 cốc bia mỗi ngày. Trong khi đó, bà Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam lo ngại cho biết, tốc độ tiêu thụ rượu bia ở nước ta đang tăng nhanh chóng qua các năm. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%, trung bình trên 10% mỗi năm. Năm 2012 mức tiêu thụ bia của cả nước từ 2,8 tỷ lít thì đến năm 2013 mức tiêu thụ bia đã hơn 3 tỷ lít. Trong khi đó, sản lượng bia sản xuất trong nước không đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân nên đã phải nhập khẩu thêm một lượng không nhỏ bia ngoại. Theo TS Nguyễn Huy Quang, thống kê năm 2013, trung bình 1 người Việt Nam uống 32 lít bia/năm là minh chứng cho mức độ lạm dụng loại thức uống có cồn này ở nước ta. Đối với việc tiêu thụ rượu cũng gia tăng nhanh chóng, nếu như năm 2012, các đệ tự “lưu linh” ở nước ta uống tới 63.000 lít thì tới năm 2013, con số này đã tăng thêm 5.000 lít nữa. “Việc Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia trong năm qua đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước hàng đầu thế giới về tiêu thụ bia, là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc...” - bà Hoàng Anh nói.
Nhiều hệ lụy nguy hại
Mặc dù việc tiêu thụ bia ở nước ta tăng chóng mặt và đứng hàng thứ 3 ở châu Á nhưng đáng buồn là thu nhập bình quân của người Việt Nam lại chỉ đứng thứ 8 trong số 10 nước khu vực ASEAN. Nghiên cứu cho thấy, mỗi năm Việt Nam chi tới 3 tỷ USD cho việc tiêu thụ rượu bia, trong khi quy mô GDP của đất nước khoảng trên 170 tỷ USD/năm, vì thế đây là gánh nặng kinh tế không hề nhỏ. Khoản chi phí trên còn chưa tính tới các chi phí gián tiếp để giải quyết những hậu quả do lạm dụng rượu bia gây ra. Trong khi đóng góp của ngành sản xuất rượu bia cho ngân sách nhà nước chỉ khoảng 800 triệu USD/năm. Đáng lo ngại hơn, lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam không chỉ gây ra những ảnh hưởng nguy hại cho sức khỏe người sử dụng mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của gần 40 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác. Có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật như ung thư, xơ gan, tim mạch, viêm gan, tâm thần, viêm loét dạ dày, ngộ độc... do hậu quả của rượu, bia gây ra.
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, nhằm làm giảm mức độ tiêu thụ bia, rượu hàng năm sẽ khiến cho nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội trong phát triển kinh tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng bị hòa tan cùng với rượu, bia, đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
| |
MINH KHANG