Trong lúc con tôm đang “lên đời” thì nhiều hộ nuôi heo, gà, vịt… ở ĐBSCL tiếp tục gặp khó khăn do giá bán thấp, bấp bênh đầu ra khiến người nuôi bất an.
Heo, gà, vịt “mắc cạn”
Những ngày qua, trong lúc người nuôi tôm ở vùng ĐBSCL vui vì trúng mùa được giá thì ngược lại, người nuôi heo, gà, vịt nhăn nhó, như ngồi trên lửa bởi giá quá thấp, khó bán, dẫn đến nguy cơ lỗ vốn. Ông Tư Sum, ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, than vãn: “Nhìn giá heo hơi hiện nay mà tui phát lo. Nuôi cực khổ hơn 4 tháng trời nhưng khi bán ra, trừ chi phí lời chưa được 500.000 đồng/tạ. Nếu tính luôn công nuôi coi như lỗ trắng”.
Theo ông Tư Sum, một con heo nuôi khoảng 4 - 5 tháng mới bán, nhưng với giá thương lái mua hiện nay là 4,1 triệu đồng/tạ, coi như không lời bởi giá thức ăn, thuốc men… đã “ngốn” trên 3,5 triệu đồng. Nhìn đàn heo lứa khoảng hơn chục con trong chuồng (khoảng 50kg/con), ông Sum lẩm bẩm: “Đàn này khoảng hai tháng nữa mới “gả” được, với giá thức ăn cao ngất ngưởng như vầy là lỗ chắc”.
Ông Nguyễn Anh Vũ, cán bộ thú y xã Tân Hội Trung, cho biết: “Toàn xã còn khoảng 700 con heo tới lứa xuất chuồng, nhưng giá hiện nay chỉ khoảng 4 - 4,1 triệu đồng/tạ, nếu bán thì người nuôi hòa vốn chứ không lời”. Trong khi đó, nhiều người nuôi heo cho rằng, nếu không bán, lỡ tới đây giá heo hơi rớt xuống mức 3,6 - 3,7 triệu đồng/tạ như mấy tháng trước sẽ lỗ vốn, bởi thông thường khi nước lũ lên, giá heo hơi sẽ giảm.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, người dân bán tháo heo vì sợ rớt giá do lũ lên chỉ là một phần, cái chính là giá thức ăn quá cao, giá heo hơi rớt thấp, mặt khác do đến hạn phải trả nợ ngân hàng nên khi thấy giá heo hơi nhích lên là dân bán ngay, không dám giữ lại.
Tại Tiền Giang, hiện có gần 562.000 con heo cũng đang “mắc cạn” vì chưa bán được. Ở Long An, có gần 254.000 con heo cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Còn Đồng Tháp, số lượng tuy ít hơn nhưng cũng có trên 195.000 con heo đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”… Cái khó của người chăn nuôi hiện nay không chỉ dừng lại ở con heo, mà người nuôi gà, vịt, cá… ở ĐBSCL cũng tương tự.
Đâu là lối ra?
Tìm lối ra cho người chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra, nhất là khôi phục đàn nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014 sắp tới. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Ngoài con tôm có dấu hiệu phục hồi, thời gian gần đây, heo, cá, gà... đang bị “tổn thương” do giá bán thấp, đầu ra không ổn định, cộng với dịch bệnh hoành hành”.
Ông Lê Minh Đức cho rằng, sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa khẳng định được thế ổn định, bền vững, mà luôn bấp bênh, dễ tổn thương. Tình trạng được mùa rớt giá hay ngược lại vẫn cứ liên tiếp xảy ra. Rất hiếm khi nông dân hưởng chuyện “được mùa trúng giá”, nếu có chăng cũng chỉ mang tính thời vụ, một hai năm là quay lại điệp khúc cũ. Vì thế, thu nhập của người chăn nuôi theo kiểu “tiền cũ đổi tiền mới”. Lời một mùa hoặc một năm để bù cho 2 - 3 mùa hoặc 2 - 3 năm thất bát.
Theo sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, vấn đề cốt lõi tồn tại lâu nay mà ngành chăn nuôi thường gặp là cơ cấu sản xuất nhỏ, thông tin thị trường chưa được quan tâm, chất lượng con giống kém, chất lượng sản phẩm làm ra bị bỏ ngỏ... Chính vì thế, dẫn đến tình trạng ngành chăn nuôi ở thế bị động, dễ tổn thương khi có biến động thị trường trong nước và thế giới. Đó là chưa nói đến cơ sở vật chất kỹ thuật và quản lý thú y còn yếu, không đồng bộ. Ngay việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm làm ra chưa được quan tâm đúng mức. Dịch bệnh liên tục xuất hiện kéo dài khiến ngành chăn nuôi gặp khó khăn. Hậu quả tất yếu là đã có hàng loạt hộ chăn nuôi, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ phải đóng cửa chuồng trại vì thua lỗ, phá sản. Thời gian qua, các địa phương, các ngành chức năng đã có những động thái “cứu” người chăn nuôi, sớm khôi phục sản xuất nhưng xem ra chưa có dấu hiệu khả quan.
Theo ông Lê Minh Đức, chăn nuôi nhỏ lẻ dễ phát sinh dịch bệnh, lại khó quản lý, trong khi chi phí cũng tăng cao. Để tiến tới quy mô nuôi công nghiệp, hiện đại, có sự kiểm soát chặt đầu vào - đầu ra, ngành chăn nuôi cần mạnh dạn thay đổi, tìm hướng đi mới để phát triển bền vững.
ĐĂNG NGUYÊN