Nỗ lực phá băng

Trong hai ngày 15 và 16-10 tới, diễn đàn kinh tế châu Âu-Iran sẽ diễn ra tại London, Anh. Đây là diễn đàn đầu tư do Iran tổ chức với số lượng quan chức thương mại Iran tham gia đông nhất trong nhiều năm qua.

Trong hai ngày 15 và 16-10 tới, diễn đàn kinh tế châu Âu-Iran sẽ diễn ra tại London, Anh. Đây là diễn đàn đầu tư do Iran tổ chức với số lượng quan chức thương mại Iran tham gia đông nhất trong nhiều năm qua.

Iran đặc biệt quan tâm đến sự kiện này bởi ngoài việc kêu gọi đầu tư giúp cải thiện tình hình kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của phương Tây, đây còn là dịp để Tehran phá băng trong quan hệ với phương Tây.

Iran được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng. Rất nhiều lĩnh vực kinh tế tại quốc gia Hồi giáo này có thể sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Amir-Ali Amiri, Giám đốc đại lý Renault Trucks (Pháp) ở Iran, cho biết thị trường ô tô tại Iran đầy triển vọng với 1,5 triệu xe hơi, 20.000 xe tải và khoảng 3.000-4.000 xe bus mỗi năm, bằng sức tiêu thụ của các quốc gia Trung Đông khác cộng lại. Trong khi đó, với dân số 80 triệu dân và lao động trẻ được đào tạo bài bản, Iran giờ đây không chỉ mạnh về sản xuất dầu thô mà còn đang vươn sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghệ, dược phẩm. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa dự báo rằng GDP của Iran sẽ tăng 1,5% trong năm tài khóa 2014 và sẽ ở mức 2,2% vào năm 2015…

Majid Zamani, giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Kardan Iran ước tính quốc gia Hồi giáo này cần khoảng 100 tỷ USD trong vài năm tới để phát triển các lĩnh vực có thế mạnh. Vì vậy, các ngân hàng của Iran mong muốn hợp tác chặt chẽ với phương Tây, qua đó thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.

Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải không ít khó khăn trong bối cảnh phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran từ năm 2006 đến nay. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây. Nhưng những động thái của người đứng đầu chính quyền Tehran chưa đủ thuyết phục Mỹ và châu Âu. Điều này được thể hiện rất rõ trong diễn đàn đầu tư lần này. Danh sách tham dự không có tên bất cứ quan chức cấp cao nào của Mỹ và châu Âu. Phương Tây chưa sẵn sàng thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Tehran. Hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh khẳng định chính sách nhất quán của Anh là không khuyến khích thương mại với Iran. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington không có ý định giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với một loạt các công ty và cá nhân của Tehran. Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Barack Obama, người thể hiện xu hướng thân thiện hơn với Iran thời gian qua, có chấp thuận việc giảm nhẹ trừng phạt Iran cũng sẽ bị cản trở tại Quốc hội, nơi mà phe ủng hộ trừng phạt Iran rất mạnh. Chưa kể đến Israel, đồng minh quan trọng tại Trung Đông của Mỹ, luôn phản đối việc nhẹ tay với Tehran.

Chính phủ Iran đang cố gắng làm ấm hơn quan hệ Iran với phương Tây nhưng xem ra không hề dễ dàng. Vấn đề niềm tin có lẽ là trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ đầy căng thẳng này. Chương trình hạt nhân Tehran là minh chứng rõ nét nhất cho sự không tin tưởng lẫn nhau giữa Iran và phương Tây. Ngày 24-11 tới là thời hạn chót để Nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) và Iran giải quyết những bất đồng về chương trình hạt nhân của Tehran nhưng đến nay, có rất ít tín hiệu tích cực cho thấy đôi bên có thể tiến tới một thỏa thuận cuối cùng.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục