Nông nghiệp vùng ĐBSCL
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, từ đầu năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đang chậm lại, trong đó một số tỉnh tăng trưởng giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân do xuất khẩu nông thủy sản gặp khó khăn, hàng loạt sản phẩm rơi vào cảnh rớt giá kéo dài khiến nông dân thua lỗ. Tìm mô hình sản xuất mới để đưa nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
ĐBSCL cần tổ chức lại sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
Đau đầu chuyện… rớt giá?
Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu lớn nhất ở ĐBSCL, thế nhưng nông dân đang kêu than vì giá rớt thảm hại. Ông Nguyễn Văn Hồng, ngụ xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, thở dài: “Nhiều năm trồng khoai lang xuất khẩu nhưng chưa bao giờ gặp cảnh tệ hại như năm nay. Vụ này trồng 4 công khoai tím Nhật, tới kỳ thu hoạch giá sụt còn 180.000 đồng/tạ. Thấy giá thấp nên tui “neo” lại. Không ngờ càng neo giá càng giảm, cộng với củ khoai lang càng lớn, bị xấu da, sâu tấn công… nên thương lái chê, chỉ mua 50.000 đồng/tạ. Tính ra thua lỗ hơn 40 triệu đồng”. Theo ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT HTX Khoai lang Tân Thành (huyện Bình Tân), hầu hết nông dân trồng khoai năm nay lỗ nặng bởi xuất khẩu ì ạch nên giá thấp, cộng với sâu bệnh gia tăng làm khoai bị hư nhiều, năng suất giảm. Nguyên nhân do thời gian qua khoai lang xuất khẩu lên cơn “sốt”, có lúc giá tới 800.000 đồng/tạ trở lên, nên nhiều nơi ùn ùn trồng khoai. Nay sản lượng dư thừa, giá rớt là chuyện khó tránh khỏi.
Cùng với khoai lang thì giá cá tra cũng giảm. Bà Trần Thị Hoạt, ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) rầu lo: “Hiện các nhà máy mua cá tra chỉ có 19.500 - 20.000 đồng/kg, với giá này người nuôi lỗ nặng. Thiệt tình dân nuôi cá đã quá mệt mỏi khi ngành chức năng cứ nói cá tra là thế mạnh, là sản vật của ĐBSCL… trong khi càng nuôi càng lỗ, nông dân nợ chất chồng?”. Ở Bến Tre, Trà Vinh… nhiều hộ trồng dừa ngao ngán vì giá sụt giảm xuống mức 35.000 - 45.000 đồng/chục (12 trái), do xuất khẩu cơm dừa gặp khó khăn. Ông Trần Văn Phương, thương lái mua lúa gạo ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cho biết: “Dù đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu nhưng các doanh nghiệp “ăn” gạo rất yếu. Gạo 15% tấm chỉ còn 6.200 đồng/kg, gạo 5% tấm 6.500 đồng… giá này thương lái rất bấp bênh, thậm chí lỗ, nên không dám đi mua lúa”.
Tìm hướng đi mới…
Chuyện nông sản rớt giá, khó tiêu thụ, nông dân lỗ, kêu than… cứ lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay, nhưng chưa có lối ra. Ông Võ Minh Chiến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng: “Công tác dự báo thị trường đang rất yếu, trong khi việc sản xuất nông nghiệp còn dạng nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên dẫn tới nhiều rủi ro. Quan ngại nhất là tình hình xuất khẩu nông sản ngày càng bộc lộ tính thiếu ổn định về giá và sản lượng, từ đó khiến tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của ĐBSCL bị giảm”. Cùng băn khoăn trên, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau nhìn nhận: “Cà Mau là nơi nuôi trồng và xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước, vậy mà tới nay nông dân cứ mạnh ai nấy làm, nuôi tôm không theo quy hoạch. Đặc biệt, nhiều mô hình nuôi tôm từ thấp tới cao đan xen nhau nên khó quản lý, từ đó dễ dẫn tới dịch bệnh”.
Theo Bộ NN-PTNT, vấn đề cấp bách hiện nay là chuyển từ nền sản xuất cũ bộc lộ nhiều hạn chế, sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao để cạnh tranh quốc tế. Chú trọng những cách làm mới, mô hình mới, đặt chất lượng lên hàng đầu, chứ không chạy theo số lượng. Các chuyên gia lưu ý, tồn tại của nông nghiệp thời gian qua là cứ “chạy đua” sản xuất những thứ gì mình có, đến khi thu hoạch thì thị trường không cần nên họ không mua, dẫn tới thiệt hại. Tới đây cần đầu tư mạnh vào việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chủ động về đầu ra. Một khi chúng ta làm chủ được thị trường, chi phối thị trường… thì mới hy vọng hết cảnh rớt giá.
Thực tế cho thấy, đã xuất hiện những mô hình mới theo chuỗi giá trị, nhờ liên kết chặt “đầu vào - đầu ra”. Điển hình như HTX Rau an toàn Thành Lợi (Vĩnh Long) đột phá với mô hình trồng đậu bắp xanh. Lãnh đạo HTX này đã lặn lội sang tận Nhật Bản tìm giống đậu bắp xanh mang về trồng, nhân ra… sau đó mang trái đậu bắp xanh chất lượng cao đi “tiếp thị” cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời mời doanh nghiệp về thăm vùng nguyên liệu với sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và nông dân. Tận mắt chứng kiến cách làm bài bản này, nên một số doanh nghiệp ký hợp đồng với HTX thu mua đậu bắp xanh (giống Nhật) với giá 7.500 đồng/kg (loại 1) và 5.000 đồng/kg (loại 2), kèm số lượng, thời gian nhận hàng… Sau khi có hợp đồng, nhận tiền cọc… thì HTX mới triển khai cho nông dân sản xuất. Nhờ đó mà các thành viên của HTX thu lời gần 100 triệu đồng/ha/vụ. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), tiết lộ: “Trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo kêu la khó khăn về hợp đồng, giá xuất thấp… riêng công ty Trung An luôn xuất khẩu gạo với giá cao từ 800 - 900USD/tấn, thấp nhất là 440USD/tấn. Nguyên nhân là do công ty tích cực liên kết với nông dân xây dựng hơn 4.000ha cánh đồng mẫu, sản xuất lúa sạch, chất lượng cao. Từ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thu hoạch bằng cơ giới hóa, áp dụng sấy lúa bài bản; sau đó chế biến ra hạt gạo chất lượng, đảm bảo truy suất nguồn gốc. Cách làm gạo đạt tiêu chuẩn của Trung An đã được đối tác quốc tế đánh giá cao, nên đầu ra rất ổn định. Chính vì vậy mà ở Trung An chỉ có nông dân xin vào cánh đồng mẫu, bởi nhiều cái lợi…”.
Phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn vai trò dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp và sự tập hợp các nông hộ vào HTX kiểu mới để hình thành vùng sản xuất lớn là hướng đi triển vọng. Từ những mô hình đột phá, có hiệu quả rõ rệt, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các tỉnh ĐBSCL đề xuất Chính phủ xem xét cho cơ chế về “thí điểm” mô hình HTX kiểu mới để các địa phương học tập, rút kinh nghiệm, nhân rộng…
HUỲNH PHƯỚC LỢI