Đến hôm nay, khi hòa bình những căn cứ ấy trở thành các địa chỉ đỏ, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất của quân và dân ta.
Cả cuộc đời này,
Cả cuộc đời này,
tôi nhớ mãi các anh
Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm Đinh Dậu, như một thông lệ, bà Lại Thị Kim Túy (tên thường gọi: Sáu Túy, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) lại về khu tưởng niệm các liệt sĩ trong con hẻm 13, đường Nguyễn Văn Yến (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú). Nơi đây như một phần máu thịt của bà, bởi 50 năm trước, trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, bà đã cùng đồng đội đánh trận quyết tử. Sau trận đánh ấy, gia đình đã lập bàn thờ vì nghĩ bà đã hy sinh. 3 tháng sau, bà trở về trong niềm vui tột cùng của người mẹ già.
Nhìn lại từng cái tên liệt sĩ được khắc trên bia tưởng niệm, mắt bà Sáu Túy rưng rưng lệ: “44 người cùng sát vai chiến đấu, cứ ngỡ mở được đường máu, nào ngờ 38 đồng chí, đồng đội thương yêu đã mãi nằm lại nơi này. Cháu nhìn xem, vẫn còn 13 cái tên bỏ trống. Nửa thế kỷ rồi, các anh vẫn chưa được xác định tên. Món nợ này tôi không biết làm sao để trả”. Bà Sáu Túy vẫn nhớ như in trận chiến ấy. Mỗi lần về lại nơi này, những tiếng hô: “Xung phong, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vẫn vang lên trong tâm trí bà. Và hình ảnh các anh tay cầm súng chiến đấu, rồi ngã xuống như vừa diễn ra trước mắt.
Bà Sáu Túy thăm nơi ngày xưa từng chiến đấu cùng đồng đội
Đó là trận chiến không cân sức. Địch hơn ta cả về số lượng lẫn vũ khí hiện đại. Nhưng dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Đáo, Đại đội trưởng, quân và dân ấp Tân Thới Hòa (nay là phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) cùng tiểu đoàn 6 Bình Tân đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt hơn 100 tên địch, phá hủy 3 xe bọc thép, bắn cháy một máy bay. Bà Sáu Túy là 1 trong 6 người may mắn sống sót. 4 ngày sau, bà cùng đồng đội trở về nơi này. Giơ bàn tay gầy guộc, bà bảo: Đôi tay này ngày đó đã đào đất chôn lấp các anh. Mỗi người không được một phần mộ riêng, bởi thi thể các anh chồng lên nhau, nếu tách ra e không còn nguyên vẹn.
Cũng chính nỗi đau quá lớn ấy mà hơn 20 năm qua, cứ đúng ngày 13 tháng Giêng, bà Sáu Túy lại về nơi này tổ chức lễ giỗ chung cho các đồng đội thân yêu. Bà tự bỏ tiền túi ra mua sắm đồ cúng và thuê xe đi Long An đón gia đình các liệt sĩ về dự. Quét dọn lá cây xung quanh, bà nhẩm tính, còn khoảng tháng nữa là đến lễ giỗ. Mọi năm cũng còn vài anh em trong trận đánh về, năm nay chỉ còn mỗi mình bà, 5 trong 6 người còn sống sót cũng đã về cùng đồng đội. Ở cái tuổi 73, sức đã yếu, bà lo lắng không biết mình còn sức khỏe để làm bao nhiêu cái giỗ nữa cho các anh. “Các anh đều hiền lành, sống chan hòa, yêu thương và đùm bọc nhau. Có lần các anh nói thèm ăn xôi, tôi xin được vài ký nếp về nấu. Ai dè nấu xong, xôi nhão nhẹt, thế là tôi bỏ thêm đường và nước nấu thành nồi chè. Vậy mà các anh ăn vẫn khen ngon”, đưa tay lau giọt nước mắt, bà Sáu Túy bùi ngùi nhớ lại.
Những căn cứ trong lòng dân
Nếu chỉ đi ngang qua hay thậm chí ghé vào ăn tô phở tại quán Phở Bình (đường Lý Chính Thắng, quận 3) không ai có thể ngờ rằng, đây chính là căn cứ chỉ huy của Biệt động thành trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây cũng là nơi phát lệnh cho các trận đánh “long trời lở đất” vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Tổng Nha cảnh sát… Ngày đó, dù cơ sở nằm ngay trong lòng địch nhưng không ai phát hiện ra, kể cả người trong gia đình. “Hồi đó, có lẽ cha chúng tôi cũng trăn trở rất nhiều khi đưa tính mạng cả gia đình vào tình thế hiểm nguy. Nhưng vì độc lập của cả dân tộc, gia đình tôi có nề hà chi”, ông Ngô Văn Lập, con trai đồng chí Ngô Toại (chủ quán Phở Bình), chia sẻ. Ngày đó, ông Lập còn nhỏ, làm nhiệm vụ dẫn các cô chú lên căn gác tầng hai của gia đình để hội họp. Ông nhớ mãi ngày mùng 3 Tết năm 1968, khi cơ sở bị lộ, trực thăng của địch cùng lính bao vây gia đình, bắt hết những người có mặt về tra tấn. Riêng ông bị giữ lại, địch chĩa súng vào người, bắt ông quỳ trong nhà để khi có ai đến gõ cửa thì ông phải ra mở cửa để chúng bắt. “Khi đó, dù bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng không cô chú nào nao núng hay lo sợ. Tôi nhớ mãi sự gan dạ, kiên cường ấy, nhờ đó bản thân tôi cũng vững vàng hơn khi phải một mình đối mặt với quân thù”, ông Lập nhớ lại. Giờ đây, tầng hai của quán Phở Bình vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Nơi đây trở thành bảo tàng thu nhỏ, ghi lại những chiến tích anh dũng của quân và dân ta trong trận đánh nửa thế kỷ trước.
Đến Thảo Cầm viên Sài Gòn, rất ít du khách biết về quán nước giải khát có cái tên Nhan Hương nằm trong khuôn viên. Đây từng là cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định, nơi liên kết, gắn bó của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy và các chiến sĩ. Đứng bên ngoài nhìn vào, ai cũng ngỡ quán đang rất đông khách, bởi bàn nào cũng đầy người ngồi và phục vụ thì tất bật bưng bê. Tuy nhiên đó chỉ là những hình ảnh sống động của quán Nhan Hương được phục dựng khi quán được công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố. Bà Trần Thị Ngọc Diệp (70 tuổi, người tiếp giữ quán sau giải phóng) cho biết: “Đây chính là những hình ảnh thân thuộc ngày xưa. Chú tôi (ông Nguyễn Văn Tửng, chủ quán) thường ngồi đây, không chỉ để quản lý tủ tiền mà vì ngay dưới chân ông là căn hầm chứa đựng các hồ sơ quan trọng. Chỗ này ngày trước, tôi và các chị em thường nằm ngủ…”.
Tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 108 Nguyễn Du), chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các dì, các chú, các em nhỏ và cả du khách nước ngoài dừng lại thành kính thắp nhang, cắm những bông hoa hay điếu thuốc để tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Ngày trước, khi bia tưởng niệm chưa có, bà Lý Thị Tư (65 tuổi, ngụ quận 1) thường mang trái cây, nhang, đèn đến viếng các liệt sĩ trước các miếu thờ bên kia đường. “Mình được sống hòa bình, độc lập ngày nay chính là nhờ công lao to lớn của các liệt sĩ. Trong lòng tôi, chiến công của các anh sẽ còn vang mãi”, bà Tư bộc bạch.