Nơi bảo vệ quyền lợi cho cựu chiến binh

Chỗ dựa tin cậy
Nơi bảo vệ quyền lợi cho cựu chiến binh

Chính thức hoạt động từ năm 1995, đến nay, Tổ tư vấn pháp luật miễn phí thuộc Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Bình Thạnh TPHCM đã thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho các hội viên CCB, gia đình chính sách, người nghèo có nhu cầu được tư vấn về pháp luật. Hơn 14 năm qua, các thành viên trong tổ đã tư vấn, trợ giúp nhiều vụ việc, góp phần bảo vệ quyền lợi cho các CCB, người dân không chỉ trong quận mà còn ở nhiều địa phương khác.

Luật gia Trịnh Phi Long tư vấn pháp luật miễn phí cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách.

Luật gia Trịnh Phi Long tư vấn pháp luật miễn phí cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách.

Chỗ dựa tin cậy

Hơn 10 năm trước, khi đường Điện Biên Phủ được mở rộng, ngôi nhà của bà Lý Thị Sự, là mẹ liệt sĩ - ở phường 15, nằm trong diện phải giải tỏa trắng. Tuy nhiên, sau khi nhà bị giải tỏa, bà Sự không được chính quyền quận giải quyết đền bù một nền nhà mới theo quy định, mà lại bị thu xếp tái định cư tại… mái hiên một trường mầm non.

Sau khi tìm hiểu sự việc, Tổ tư vấn pháp luật miễn phí Hội CCB quận Bình Thạnh (gọi tắt là tổ tư vấn) đã tham mưu cho Hội CCB quận làm đơn kiến nghị lên UBND TPHCM; đồng thời, Hội CCB quận cũng đưa sự việc này ra chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM. Sau hơn 5 tháng, bà Sự đã được cấp nền đất tái định cư theo đúng tiêu chuẩn quy định và được UBND TPHCM xây tặng nhà tình nghĩa khang trang trên nền đất được cấp.

Trường hợp của CCB Trần Thị Lài - vợ liệt sĩ - lại khác. Sau khi người con gái duy nhất lấy chồng, bà để cho gia đình con gái về ở chung tại căn nhà 204/54 Nơ Trang Long phường 12 quận Bình Thạnh. Từ khi con gái mất đột ngột vì bệnh, giữa bà và con rể thường xuyên xảy ra lục đục. Đến một ngày, con rể bà mang ra “trình” mẹ vợ giấy tờ nhà đứng tên mình. Không còn cách nào khác, bà Lài phải nộp đơn nhờ tòa án can thiệp.

Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh, căn nhà trên được phát mãi để chia thừa kế như sau: bà Lài 1/3, người con rể 1/3, hai cháu ngoại của bà Lài 1/3 giá trị căn nhà. Không chấp nhận kết quả này, bà Lài làm đơn kêu cứu gửi tổ tư vấn. Qua xác minh của tổ tư vấn, căn nhà 204/54 Nơ Trang Long được UBND quận phân phối cho bà Trần Thị Lài sử dụng theo diện gia đình liệt sĩ.

Năm 1986, khi quận có chủ trương hóa giá căn nhà trên cho bà, bà đang bệnh nặng nên nhờ con rể làm thủ tục thay. Có khả năng trong quá trình làm thủ tục, con rể bà đã có thủ đoạn gian dối để được cấp giấy tờ nhà đứng tên mình.

Như vậy đã có tình trạng không hợp lệ về đối tượng được cấp, phân phối, giải quyết bán nhà theo Nghị định 61/CP của Chính phủ. Với những bằng chứng cụ thể, Hội CCB quận Bình Thạnh đề nghị chính quyền quận giải quyết cho bà Trần Thị Lài được bổ túc hồ sơ để hoàn chỉnh thủ tục chứng nhận quyền sở hữu căn nhà 204/54 Nơ Trang Long.

Mới đây, tổ tư vấn cũng đã giúp 18 hộ dân (trong đó có 3 hộ là hội viên CCB) tại đường Phú Mỹ (trước là đường Ngô Tất Tố) - Nguyễn Hữu Cảnh được hưởng mức đền bù thỏa đáng trong Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm. Sau 3 văn bản kiến nghị của tổ (có sự phối hợp với Hội CCB cơ sở), mức đền bù vị trí trong hẻm các hộ trên được hưởng tăng từ 8 triệu đồng/m² lên 20 triệu đồng/m².

Hiệu quả thiết thực

Nguyên Chủ tịch Hội CCB quận Bình Thạnh Huỳnh Công Hùng cho biết: “Tổ tư vấn pháp luật miễn phí Hội CCB quận Bình Thạnh ra đời với mục đích bảo vệ quyền lợi cho các hội viên CCB về những vấn đề liên quan đến pháp luật. Ban đầu, tổ chỉ có 5 thành viên là CCB kiêm luật sư, luật gia. Chỉ sau một thời gian, hoạt động của tổ đạt được hiệu quả thiết thực.

Không chỉ các hội viên CCB, người dân trên địa bàn mà nhiều CCB, người dân ở các quận, huyện khác, thậm chí ở các tỉnh, thành khác cũng đến tận nơi hoặc gửi thư, gọi điện đến nhờ tư vấn”.

Luật gia Trịnh Phi Long – tổ trưởng tổ tư vấn, người gắn bó với tổ từ những ngày đầu thành lập – tâm sự: “Niềm vui của những CCB làm công tác tư vấn pháp luật là chia sẻ, giải tỏa được bức xúc của người dân có vướng mắc về pháp lý. Chúng tôi tình nguyện giúp dân với tinh thần của một người lính chỉ biết xông lên, đấu tranh không mệt mỏi với những điều chưa đúng. Niềm vui đó nhân lên gấp bội khi sự việc có chuyển biến tích cực, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, chúng tôi cũng có nỗi buồn khi những trường hợp kéo dài cả chục năm mà vẫn chưa có kết quả cuối cùng dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị giải quyết, như vụ thương binh nặng Bùi Văn Tỵ (quê tỉnh Kiên Giang) bị chiếm dụng vốn tại huyện Hóc Môn, mặc dù TAND huyện Hóc Môn tuyên xử cho ông Tỵ thắng kiện nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa có hồi kết, do việc thi hành bản án đang bị “ách tắc” tại Thi hành án Dân sự huyện Hóc Môn; hay như vụ mua bán, hợp thức hóa nhà của đại tá – CCB Hà Cân (ngụ quận Tân Bình) đã kéo dài gần 15 năm, qua nhiều cấp xét xử nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng”.

Từ hoạt động hiệu quả ban đầu, vào đầu năm 2005, Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí Hội CCB TPHCM đã ra đời. “Với tinh thần bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên CCB, sắp tới các thành viên tổ tư vấn quận Bình Thạnh sẽ tập trung “đầu quân”, tăng cường nhân sự cho tổ tư vấn Hội CCB TPHCM” - luật gia Trịnh Phi Long cho biết thêm.

Thanh Hợp

Tin cùng chuyên mục