Nỗi buồn di tích - Bài 3: Đùn đẩy trách nhiệm

Nỗi buồn di tích - Bài 3: Đùn đẩy trách nhiệm

Một vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là việc bảo tồn, trùng tu các di tích sẽ được triển khai như thế nào và bao giờ tiến hành? Bởi lẽ, trong khi các di tích đang “hấp hối” thì việc trùng tu, bảo vệ vẫn đang loay hoay, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Hồ Trái Tim (nằm trong khuôn viên thành Hoàng Đế), nơi tắm và dạo chơi của các cung phi nhà Tây Sơn đã được khai quật lên... để phơi mưa, nắng. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Hồ Trái Tim (nằm trong khuôn viên thành Hoàng Đế), nơi tắm và dạo chơi của các cung phi nhà Tây Sơn đã được khai quật lên... để phơi mưa, nắng. Ảnh: HOÀNG TRỌNG

Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh thắng tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Lăng mộ Đoàn Quý Phi, huyện chịu trách nhiệm. Tầm quốc gia như Phật viện Đồng Dương, tỉnh chịu trách nhiệm. Việc bỏ hoang, trồng keo lá tràm, bạc hà thành rừng phủ kín Phật viện Đồng Dương trách nhiệm thuộc về xã, huyện vì hai cấp này đã có cam kết không để xảy ra xâm phạm”.

Trong khi đó, giải thích về việc các di tích bị bỏ phế, ông Mai Tấn Lực, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, cho rằng: Trong số 44 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện thì hệ thống lăng mộ bà hoàng, các chúa Nguyễn và một số di tích khác đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng địa phương không có kinh phí trùng tu. Chúng tôi chỉ bảo vệ trong khả năng có thể và báo sự việc lên cấp trên.

Như vậy, rõ ràng, “quả bóng” trách nhiệm đã bị đá tới đá lui. Trách nhiệm như… mây, bay tới bay lui. Một thực tế tồn tại ở Quảng Nam là hầu như tất cả di tích cấp tỉnh đều không được phân bổ kinh phí. Di tích được giao về cho xã, phường quản lý, tuy nhiên kinh phí địa phương dành cho công tác quản lý, tôn tạo di tích rất hạn chế.

Trong 12 năm (1997-2009), ngân sách tỉnh Quảng Nam chỉ bỏ ra 12 triệu đồng để tu bổ di tích, nhưng số tiền đó dùng để chống mối mọt nhà ông Nguyễn Nho Phán ở Điện Bàn. Một người có trách nhiệm ở tỉnh Quảng Nam chua chát: “Mỗi năm tỉnh bỏ ra hàng chục tỷ đồng cho Mỹ Sơn, Hội An, chưa kể tiền trung ương rót về. Chỉ cần cho các di tích trên vài phần trăm là quý lắm rồi. Bỏ tiền tỷ để làm lễ hội không sao, nhưng trùng tu di tích sao khó quá?”.

Theo ông Nguyễn Thượng Hỷ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, ngoài ý thức người dân sống gần di tích ở một số nơi còn kém, công tác phối hợp ở nhiều địa phương còn bất cập, chồng chéo giữa các cấp, ngành. Có nơi dự án phê duyệt đã lâu, kinh phí, hồ sơ khoa học đã được lập nhưng địa phương không thực hiện việc đền bù giải tỏa, dẫn đến chậm trễ trong việc ký biên bản khoanh vùng bảo vệ. Với các di tích cấp quốc gia, việc chưa thống nhất giải pháp trùng tu trong một thời gian dài cũng góp phần làm di tích xuống cấp. Việc chậm xây dựng đề án bảo vệ, tu bổ và phát huy di tích ở nhiều địa phương cũng là nguyên nhân khiến các di tích thiếu nguồn lực tu bổ dẫn đến xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.

Đối với di tích thành Hoàng Đế, lãnh đạo Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định, cho rằng, việc để các dấu tích kiến trúc phơi mình dưới nắng mưa là việc chẳng đặng đừng! Bởi lẽ, các dấu tích kiến trúc trong thành Hoàng Đế sau khai quật phải nguyên hiện trạng để các đơn vị tư vấn căn cứ vào đó mà lập quy hoạch dự án trùng tu, tôn tạo các hạng mục cho chính xác.

Còn việc trùng tu, tôn tạo đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về các hạng mục cụ thể được làm. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn thiết kế sẽ lập quy hoạch chi tiết dự án rồi trình cho Hội đồng Khoa học của tỉnh xem xét thông qua. Sau đó, tiếp tục trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để góp ý chỉnh sửa cho đạt yêu cầu. Xong tất cả các công đoạn đó đem về trình UBND tỉnh phê duyệt, rồi mới được phép triển khai thực hiện.

Rất nhiều lý do được đưa ra nhưng tụ lại vẫn là sự loay hoay, thiếu trách nhiệm đã và đang đẩy các di tích ở miền Trung (đặc biệt là ở Quảng Nam) đến với sự hoang phế, tàn lụi. Rồi đây, những giá trị về văn hóa, lịch sử có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm sẽ biến mất. Trách nhiệm này thuộc về ai? Câu trả lời dành cho các cấp, ngành chức năng cũng như các địa phương.

NGUYỄN HÙNG

>> Bài 2: Đi tìm Phật viện

>> Bài 1: Xót xa lăng Bà Chúa, thành Hoàng Đế

Tin cùng chuyên mục