
Xe gắn máy là phương tiện đi lại chính của người dân thành phố và xét về một góc độ nào đó, đã góp phần tạo nên một nét văn hóa riêng dưới mắt người nước ngoài. Thế nhưng, một người bạn Nhật phát biểu sau chuyến du lịch đầu tiên đến Việt Nam: “Tôi sợ quá! Ở những giao lộ, các bạn chạy xe như chuẩn bị đánh giáp lá cà vậy” (!?)

Thời gian gần đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, việc đi lại bằng xe buýt đã có một số cải tổ nhất định nhằm hạn chế số lượng xe gắn máy lưu thông trên đường, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều điều bất cập. Không phải tự nhiên mà nhiều người dân thành phố ngại đi xe buýt, thậm chí có người đi thử vài lần rồi tuyên bố “cạch đến già”. Trong một số trường hợp, thái độ phục vụ của nhân viên trên xe buýt gây khó chịu cho hành khách và cách chạy xe theo kiểu được “ưu tiên một cách quá đáng” làm người đi đường phẫn nộ.
Lại nhớ ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong lần tham quan Singapore, đó là ý thức tự giác của những người tham gia giao thông. Người Singapore xem xe buýt là phương tiện giao thông không thể thiếu. Muốn đi đến bất cứ đâu trong thành phố, chỉ việc chọn tuyến, thường được quy định theo số, ngồi đợi ở trạm chừng vài phút, khi xe đến chỉ việc trật tự bước lên. Trên xe không có người soát vé hay phụ xe la hét, đập vào thành xe ầm ầm để dẹp dường, chỉ có một tài xế, ngồi lặng lẽ lái. Người sử dụng xe buýt thường xuyên có thẻ xe tháng, lên xe rồi tự giác áp thẻ vào máy kiểm tra. Khách vãng lai như tôi có thể lấy vài xu lẻ thảy leng keng vào máy, máy sẽ in ra một tờ biên nhận bé bằng ngón tay cái. Muốn xuống xe, hành khách chỉ việc nhấn vào nút đỏ ngay trên tay vịn.
Đặc biệt, hơn 3 ngày ở Singapore, tôi tuyệt nhiên không nghe một tiếng còi xe nào. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, ngay cả lúc nửa đêm hay gần sáng vẫn có tiếng còi xe. Trong email mới đây của một bạn nước ngoài gửi cho tôi có đoạn viết: “...Tôi yêu mọi thứ ở Việt Nam trừ thói quen nhấn còi xe...”. Bản thân tôi, đôi lúc cũng muốn phát điên khi chạy xe ngoài trời nóng có khi lên tới 38OC lại phải chịu đựng thêm những tiếng còi xe vang lên một cách vô tội vạ.
Có khi đang kẹt xe, không ai có thể di chuyển được thêm một tấc nào nhưng cũng có người nhấn còi hối thúc. Gặp người quen trên phố, nhấn còi; thấy cô gái trẻ xinh xinh đi một mình, nhấn còi; thậm chí đang chạy bon bon, hứng lên cũng nhấn còi, mà thường là một tràng dài chứ không chỉ là một - hai tiếng tít tít.
Hy vọng một ngày không xa, giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện để người dân không bị khủng hoảng tâm lý khi tham gia giao thông, để thành phố đẹp hơn lên dưới mắt người nước ngoài.
NGÔ THỊ THÙY VY