Vùng đất Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là một trong những cái nôi của ca trù với phường ca trù Cổ Đạm. Dù được công nhận là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, nhưng vốn quý của ông cha cũng không có được sự quan tâm bảo vệ, phát triển đúng hướng.
Ca trù đang lạc phách?
Phường ca trù Cổ Đạm (nay là xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) được các nhà nghiên cứu xem là một trong những cái nôi của ca trù. Ở Cổ Đạm có Đền Xứ. Hàng năm, cứ đến ngày 11 tháng Chạp, các giáo phường ca trù ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về đây mở hội dâng hương lên tổ sư và đua tài mấy ngày liền. Bây giờ, Đền Xứ mới được xây dựng trên nền đền cũ. Nơi được xem là “nhà hát” trước đây, nằm bên cạnh đền hiện là một bãi đất trống được làm sân bóng.
Bà Nguyễn Thị Ba, sống gần Đền Xứ, sau khi buồn buồn nhắc chuyện ca trù xa xưa, đã bâng khuâng đọc: Nền Nghệ Tĩnh phong nhân đệ nhất/Có đâu đây hơn đất phố phường,... Đem nỗi lòng của người dân vùng đất ca trù đi tìm Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm - chị Dương Thị Xanh, thì nhận được tiếng thở dài như ẩn ức bấy lâu nay giấu kín. Chị cho biết, chị và chồng là anh Trần Văn Đài, “kẻ hát người đàn”, lấy niềm đam mê, niềm yêu vốn cổ ông cha mà theo, chứ thực ra nếu để theo ca trù một cách chuyên nghiệp thì làm sao mà sống nổi. Hiện vợ chồng chị phải mở một cửa hàng bán đồ điện, nước... để kiếm sống.
Khi mới thành lập vào năm 1995, CLB Ca trù Cổ Đạm có số người tham gia khá đông 30-50 người. Phong trào hát ca trù mạnh từ các năm 2005 đến 2007, 2009. Từ năm 2009, khi UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, phong trào lại đi xuống. Chị Xanh chia sẻ: “Sau khi được công nhận thì các chế độ đãi ngộ cũng không có chi”. Cổ Đạm có các nghệ nhân nổi tiếng như: Phan Thị Mơn (đã mất), Phan Thị Nga, Trần Thị Gia và Hà Thị Bình. Các cụ còn sống đều đã trên 90 tuổi. Sau khi được nhận bằng công nhận nghệ nhân xong, được nhận một khoản tiền theo quy định là hết, không còn chế độ ưu đãi. Thỉnh thoảng, dịp tết mới có trung tâm VH-TT xuống thăm, gọi là mừng tuổi các cụ. Trước đây, CLB còn đào tạo được các cháu nhỏ cỡ tuổi 6-7 trở lên, nhưng nay phụ huynh nhìn “gương” các cụ, chứng kiến cảnh cực khổ giữ nghề của thầy cô trong CLB nên không cho con theo. Mấy năm nay, CLB không còn hoạt động được như trước, nhiều khi nhớ nghề, anh chị em ới nhau ra hội trường xã hát cho nhau nghe. Năm 2013 này, như thường lệ sẽ tổ chức liên hoan ca trù toàn quốc, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Niềm hy vọng nhỏ nhoi
Chị Trần Thị Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Nghi Xuân, người phụ trách CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ cho biết, mặc dù ca trù chưa được quan tâm đúng mức, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, những người yêu ca trù vẫn đang tự mình bảo vệ vốn cổ của cha ông. Ngoài ra, còn đội ngũ kế cận là các cháu nhỏ, trong đó đặc biệt có cháu Nguyễn Thị Thu Hà, một “đào nương” rất nổi trội và đang là niềm hy vọng của thế hệ đi trước.
Theo lời giới thiệu của chị Cảnh, tôi tìm đến nhà ca nương Thu Hà ở thôn 4, xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân). Nhà bé nằm tận trong chân núi Hồng Lĩnh. Năm nay, Thu Hà đang học lớp 6, Trường THCS Lam Hồng. Mặc dù mới 11 tuổi, nhưng Hà đã có một thành tích đáng nể về hát ca trù nói riêng và dân ca ví giặm nói chung. Em đã đoạt giải ca nương có giọng hát ca trù triển vọng tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011, giải A Liên hoan Dân ca ví giặm xứ Nghệ năm 2012 do 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức.
Điều đặc biệt là gia đình bé Thu Hà không có ai theo ngành nghệ thuật, cha làm thợ xây, mẹ làm nghề nông. Hà cho biết: “Cháu biết ca trù và đến với ca trù sau khi xem tivi”. Bắt đầu từ năm lớp 3, Hà đã nổi lên là “cây” hát dân ca của trường. Chị Nguyễn Thị Chiên, mẹ Hà cho biết, mặc dù biết con thích hát ca trù và bản thân hai anh chị đều không biết gì về loại hình âm nhạc này nhưng vì con, vợ chồng anh chị không cấm cản. Ngược lại, bố mẹ thay nhau đưa con đi sinh hoạt, đi học hát khi có dịp. Nếu bố đi vắng, mẹ phải đạp xe chở Hà từ nhà đến CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ cách nhà trên 10km. Nhờ niềm đam mê của Hà, sự dạy dỗ của các cô, thầy trong CLB Ca trù Cổ Đạm, CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ nên đến nay Thu Hà đã trở thành một ca nương đầy triển vọng. Em thường xuyên được mời đi tham gia biểu diễn nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Nghệ An... Hiện em đã “luyện” được những bài ca trù có độ khó cao. Chị Chiên cho biết: “Anh có thấy ai đi hát ca trù mà sống được không? Qua những lần đi với con, nghe các anh chị kể về nghề hát, vợ chồng tôi cũng nản, nhưng vì bây giờ cháu nó đang yêu thích thì cứ cho nó đi thôi, chứ sau này thì...”.
DUY CƯỜNG