Nơi đào tạo kỹ sư chân đất

Bất chấp việc đào tạo không cấp bằng, giáo viên và học viên thường không cùng ngôn ngữ, Trường Đại học Barefoot của Ấn Độ đã đổi đời nhiều cuộc sống của phụ nữ nông thôn từ 4 thập kỷ nay.

Nằm ở làng Tilonia xa xôi, cách thủ phủ bang miền Tây Rajasthan 100km, Barefoot, một tòa nhà mái vòm thân thiện với môi trường vì mọi hoạt động trong trường đều hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời, còn được gọi là “trường đại học chân đất”. Bên trong, hàng chục giáo viên cũng không có bằng cấp, đang giảng bài về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến thức căn bản của ứng dụng năng lượng mặt trời, nha khoa, cơ khí đến sức khỏe cộng đồng… Tất cả học sinh của trường này đều là phụ nữ, có cả những người cao tuổi, hầu hết đều nghèo, mù chữ và có không ít người đến từ những nước châu Phi xa xôi như Tanzania, Sierra Lenon, Afghanistan...

Hoạt động của Barefoot dựa vào sự tài trợ của Chính phủ Ấn Độ, các tổ chức quốc tế cũng như các quỹ từ thiện của tư nhân. Các khóa học miễn phí tại ngôi trường này thường kéo dài từ 6 đến 9 tháng.

Tính đến nay, Barefoot đã đào tạo khoảng 10.000 nữ sinh. Sau khi ra trường, các học sinh nữ sẽ trở thành những kỹ sư năng lượng mặt trời, những nghệ sĩ, nha sĩ và những bác sĩ trong chính ngôi làng của họ. Vì không được cấp giấy chứng nhận, học viên chỉ được công nhận bằng chính cộng đồng mà họ đang phục vụ. Họ không cần một tờ giấy treo lên tường để nói lên rằng họ là một kỹ sư.

Để vượt qua rào cản về ngôn ngữ, có những cụ bà học điện trong 6 tháng bằng ngôn ngữ cơ thể, ký hiệu và những bảng điện nhiều màu sắc để hiểu về quá trình lắp đặt các tấm pin mặt trời.

Năm ngoái, một nhóm 12 phụ nữ mù chữ của Sierra Leone sau khi tốt nghiệp trường Barefoot đã mang được điện về quê hương bằng cách tổ chức lắp ráp hơn 1.500 thiết bị chiếu sáng năng lượng mặt trời cho các gia đình trong làng. Để nhân rộng mô hình này, Chính phủ Sierra Leone đã đầu tư 820.000 USD để mở trường đào tạo nữ kỹ sư như mô hình của Barefoot.

Mô hình giảng dạy của Barefoot không chỉ được mở rộng tại 17 bang trên khắp đất nước Ấn Độ mà còn phát triển ra 15 quốc gia ở châu Phi, một số nơi ở châu Á và Nam Mỹ. Ngôi trường này trang bị kiến thức cho nữ giới, những người vốn bị coi là các công dân hạng hai ở nhiều nước nghèo và không được học hành.

Barefoot được doanh nhân Sanjit “Ditch” Roy sáng lập năm 1972 và được xem đã phá vỡ nhiều điều cấm kỵ dành cho phụ nữ thời đó. Roy từng được tạp chí Time bình chọn là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm 2010 vì đã góp phần cải thiện điều kiện sống tại những khu vực nghèo khó, đem lại “quyền năng” cho phụ nữ vùng nông thôn - chủ đề của ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.

Thành công của ngôi trường, biết cung cấp một không gian để những phụ nữ nghèo phát triển lòng tự tin. Chính sự tự tin là động cơ đưa đến sự thành công của đội ngũ kỹ sư chân đất. Kiến thức do Barefoot trang bị đã góp phần tạo những chị em kém may mắn này sự độc lập và điều quan trọng hơn là với các kiến thức học được tại trường, những phụ nữ này có thể tìm việc làm và giáo dục con trẻ, quản lý tốt gia đình mình.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục