>> Thanh Hóa khẩn trương tìm kiếm những người mất tích sau lũ
(SGGPO).- Đến hơn 16 giờ ngày 15-9, chính quyền địa phương và gia đình 2 nạn nhân Lương Văn Thoại và Vi Đình Khoa được tìm thấy trong vụ sạt lở núi, khiến 7 người chết và mất tích ở xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã tổ chức mai táng hai anh theo phong tục của địa phương; những người hiện còn mất tích vẫn đang được lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm.
Có lẽ, Rằm Trung thu năm nay là một đêm buồn nhất đối với người dân cả thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa khi vụ sạt lở núi do lũ đã cướp đi mạng sống của 2 người và 5 người khác hiện đang mất tích. Đêm qua (15-9) đã là đêm thứ 2, từ người già, đến trẻ con trong thôn không ai còn hào hứng mong chờ Tết Trung thu như mọi năm. Chỉ có tiếng khóc than, những ánh mắt vô hồn ngóng chờ. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khi phần lớn các nạn nhân là vợ chồng, anh em trong cùng một gia đình.
Chị Vi Thị Di (38 tuổi), một trong 3 người may mắn sống sót trở về vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết: “Lúc đó trong lán của tôi có 4 người gồm tôi, vợ chồng anh Vi Văn Ứ, Vi Thị Nội và chú Đông. Khi đất đá, cây cối và nước lũ ập đến chúng tôi chỉ nghe tiếng ầm ầm rồi tất cả bị cuốn phăng trong nước. May mắn là tôi và anh Ứ, chú Đông trôi dạt vào bờ nên thoát chết”.
Chị Vi Thị Di người may mắn sống sót, bàng hoàng kể lại sự việc
Trong căn nhà sàn của gia đình, anh Vi Văn Ứ (46 tuổi), người may mắn sống sót trở về, nhưng vợ anh là chị Vi Thị Nội hiện tại không biết sống chết thế nào đau đớn kể lại: Ngày 13-9, trời mưa to nên cả 4 chú cháu không đi đào măng mà ở lại trong lán. Khoảng 3 giờ sáng 14-9, thấy trời mưa ngày càng lớn nên anh Ứ và ông Đông dậy soi đèn pin kiểm tra bên ngoài nhưng thấy mực nước dưới suối vẫn ở mức an toàn, nên quay vào ngủ tiếp. Mới ngủ thêm được khoảng 30 phút, chúng tôi giật mình khi nghe tiếng ầm ầm như động đất. Chưa kịp biết chuyện gì đang xảy ra, thì cả 4 chúng tôi bị nước, đất đá, cây cối ập vào, cuốn trôi, may mắn 3 chú cháu thoát chết, nhưng vợ tôi thì bị cuốn trôi giờ không biết ở đâu”.
Đau xót nhất là gia đình của anh Vi Đình Khoa, cả 2 vợ chồng anh đều gặp nạn. Riêng anh Khoa đã tìm thấy xác và tổ chức mai táng theo phong tục, tuy nhiên vợ anh là Vi Thi Thong (45 tuổi) hiện đang mất tích, mà hi vọng sống sót là rất mong manh. Anh Khoa mất đi để lại 4 đứa con nhỏ và mẹ già đã ngoài 80 tuổi, rồi đây không biết nương tựa vào ai.
Trong đêm tối, nhìn những đứa con nhỏ của vợ chồng anh Khoa cứ đứng lặng lẽ khóc bên bàn thờ của bố mà không ai cầm được nước mắt. Đáng lẽ, trong đêm Trung thu các em sẽ cùng với bạn bè có một đêm phá cổ vui vẻ, được ngắm chị Hằng, chú Cuội. Nhưng, đêm Trung thu đã là đêm định mệnh đối với gia đình em, ngoài đưa tang bố, đêm Trung thu cũng là đêm cả gia đình em mong ngóng đợi chờ tin về người mẹ của mình hiện không biết bị vùi lấp, hay trôi dạt phương nào.
Người thân anh Vi Đình Khoa (đã chết) đang ngóng chờ tin vợ anh Khoa là chị Vi Thi Thong hiện vẫn còn mất tích.
Theo ông Vi Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, đại đa số những người vào rừng lấy măng đều có cuộc sống khó khăn. Do công ăn việc làm không có, cứ sau mỗi vụ mùa nông nhàn, họ lại kéo nhau vào rừng đi đào măng.
Thường thì từ tháng 8,9 và tháng 10 là người dân vào rừng đào măng. Mỗi chuyến đi rừng, những người đi đào măng thường ở lại trong một thời gian dài và lập lán trại tạm ăn ở, sinh hoạt ngay trong rừng. Để làm được 1kg măng khô, người dân cần phải đào được 20kg măng tươi, sau đó dùng lửa đốt sấy khô. Với mỗi kg măng khô được bán cho thương lái với giá 100.000 – 120.00 đồng. Một người đi đào măng như vậy, một ngày có thể lấy được 40 kg măng tươi, sấy khô được 2kg bán được giá cũng được hơn 200.000 đồng.
Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, suốt tháng phải ở nơi rừng thiêng, nước độc, nhưng tiền công thì không nhiều. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh những người dân ở đây vẫn hàng ngày bám rừng để mưu sinh. Trong vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra, ở thôn Chiềng 2 có 16 người đi hái măng, đa số những gia đình những người này đều nghèo khó, là anh em, họ hàng với nhau. Có gia đình như gia đình ông Vi Đình Khoa có tới 5 người là anh em, họ hàng gặp nạn.
Vẫn đang còn hoảng hốt, nói về nghề của mình, chị Vi Thị Di cho biết: Đúng là vì cuộc sống mưu sinh nên chúng tôi mới phải vào rừng để kiếm miếng cơm. Đã từng gặp nhiều hiểm nguy, nhưng không có việc làm nên cố bấu víu vào rừng. Nhưng sau sự việc này tôi sợ lắm rồi, tôi sẽ bỏ nghề. Bây giờ trong giấc ngủ tôi vẫn gặp ác mộng bởi tiếng kêu cứu của người thân, tiếng nước lũ đổ ầm xuống nơi tôi và mọi người đang ngủ canh cho lò sấy khô măng. Đó là nỗi sợ hãi chưa từng thấy.
Hiện tại, công tác tìm kiếm vẫn được chính quyền địa phương và nhân dân tích cực tìm kiếm.
|
Phong Hải