Nỗi đau làm chui nơi xứ người

Hàng vạn người miền Trung đi nước ngoài lao động tự phát với hy vọng được đổi đời, song đôi khi họ phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

Hàng vạn người miền Trung đi nước ngoài lao động tự phát với hy vọng được đổi đời, song đôi khi họ phải đánh đổi bằng cả mạng sống.

Hiểm nguy rình rập

Người dân xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vẫn chưa ngớt xôn xao bàn tán về trường hợp chị Huỳnh Thị Thanh Truyền (22 tuổi), người địa phương này, vừa bị sát hại tại Lào. Nén nỗi đau quặn thắt, chị Huỳnh Thị Xuyến là em ruột nạn nhân Truyền thuật lại, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 18-2, khi 3 chị em (Xuyến, Truyền và Lan) đang nằm ngủ tại nhà trọ ở Viêng Chăn - Lào thì bất ngờ kẻ gian đột nhập. Thấy động, Lan tỉnh giấc liền bị hung thủ dùng dao tấn công, nhưng may mắn là nhát đâm chí mạng ấy lại trúng chăn bông. Kẻ lạ mặt tiếp tục đâm mạnh vào đầu Xuyến và Truyền… Dù bị thương và mất nhiều máu nhưng 2 chị em Xuyến vẫn gắng gượng xông vào cứu Truyền. “Tụi em phải dùng xe máy chở chị Truyền đi bệnh viện nhưng bác sĩ nói chị ấy đã tử vong” - Xuyến nghẹn ngào.

Mỗi ngày tại Thừa Thiên - Huế có hàng chục chuyến xe chở khách đi Lào mưu sinh Dịch vụ trực tuyến của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TPHCM được nhiều người dân sử dụng Ảnh: HỒNG NHUNG

Ông Đỗ Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Thanh cho biết, nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã hỗ trợ giải quyết các thủ tục để gia đình đưa thi thể Truyền về nước, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng ở Lào tiến hành điều tra, sớm truy bắt hung thủ gây án. Đây cũng là địa phương có rất đông người bỏ quê sang Lào lập nghiệp, làm thuê kiếm sống. Họ làm đủ thứ nghề. Đàn ông thì nhận thầu xây dựng, thợ nề, phụ hồ, làm mộc. Phụ nữ thì nấu ăn, làm tóc.

Tương tự, tại Hà Tĩnh và Nghệ An, thời gian gần đây đã có trên 50 trường hợp đi làm việc tại Angola không may bị tử vong do sốt rét ác tính, sốt xuất huyết, tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc bị cướp sát hại. Người lao động đi sang Angola đa phần theo hình thức môi giới tự do với chi phí khoảng 7.000 USD/người. Sang Angola chủ yếu làm công nhân tại các công trình xây dựng. Trong quá trình lao động, chẳng may bị nạn thì gia đình phải tự chịu hậu quả. “Đó là những bài học đau lòng cho những người lao động, nhất là ở những vùng nông thôn vốn chỉ quen chân lấm, tay bùn ra đi tìm một cuộc sống khác với hy vọng tốt hơn. Song không phải cuộc ra đi nào cũng mang lại hạnh phúc, đôi khi nó còn đánh đổi bằng cả tính mạng. Họ đi các nước làm đủ thứ nghề, từ thợ hồ đến làm móng, thợ uốn tóc... Điểm chung là đều bỏ sức lao động nhiều nhưng tiền công chẳng hơn ở Việt Nam là bao. Và khủng khiếp nhất chẳng may xảy ra tai nạn thì họ phải gánh chịu hoàn toàn vì hầu hết không được trang bị bảo hộ an toàn lao động cũng như đóng các loại bảo hiểm thân thể, xã hội và y tế” - đại diện Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh nhìn nhận.

“Con mồi” cho các đối tượng lừa đảo

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 2,7 vạn lao động của địa phương này đang đến làm việc không có hợp đồng lao động tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Angola, Thái Lan, Lào… Việc theo dõi, quản lý số lao động này gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, do thiếu hiểu biết, lại mong sớm có được thu nhập cao nên không ít người đã chọn phương án đi xuất khẩu lao động theo hình thức vờ đi du lịch, thăm người thân… rồi ở lại làm việc. Gia đình ông Hoàng Minh (ở thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có con gái là Hoàng Thị Văn (30 tuổi) đi lao động ở Angola bị bọn cướp sát hại. Ông Minh đau đớn kể lại, cuộc sống khó khăn nên vào năm 2008, Văn được một người giới thiệu đi làm việc tại Angola. Với số tiền vay mượn trên 100 triệu đồng, sang Angola, Văn mở cửa hàng kinh doanh nhỏ nhưng bị cướp tấn công, cướp sạch hết tài sản. Trong lúc khó khăn và lại mang thai nên vào đầu năm 2011, Văn trở về quê nhà để sinh con. Được 3 tháng sau, Văn gửi lại con cho bố mẹ rồi tiếp tục sang Angola tìm kiếm việc làm. Dự định cuối năm 2016 sẽ về nước đoàn tụ cùng gia đình, nhưng tai họa ập xuống, Văn qua đời tại bệnh viện tỉnh Huambo (Angola) vào ngày 7-12-2016 do bị cướp sát hại. Sau đó, gia đình phải vay mượn cả trăm triệu đồng cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và những người lao động Việt Nam tại đây để đưa thi thể Văn về quê mai táng...

Vừa qua, công an các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế liên tục “bóc gỡ” hàng loạt đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài bất hợp pháp. Trong đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã tống đạt quyết định khởi tố Lê Văn Giang, Nguyễn Tiến Tùng, Nguyễn Xuân Bắc và Hoàng Trọng Lĩnh, cùng trú tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, do có thời gian làm ăn, lao động tại Trung Quốc nên quen biết với một số đối tượng ở bên kia biên giới. Khi trở về địa phương, các đối tượng này đã tìm cách lôi kéo người dân trên địa bàn vượt biên đi lao động bất hợp pháp. Để được đưa sang Trung Quốc trót lọt, mỗi lao động phải đóng 6 - 8 triệu đồng cho các đối tượng này. Chỉ trong thời gian ngắn các đối tượng đã tập hợp được 58 người thuộc các xã Kỳ Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Văn, Kỳ Tân… thuộc huyện Kỳ Anh và thu lợi hàng trăm triệu đồng. Sau khi đã gom đủ người, các đối tượng thuê xe chở ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để chờ thời cơ, tổ chức vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục